Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức chờ đợi hơn thuận lợi và cơ hội
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai bày tỏ sự tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu thảo luận tại hội trường |
Các báo cáo đã rất cụ thể, chi tiết, khách quan, đặc biệt là trong đánh giá tồn tại, hạn chế và đề xuất các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cho thời gian tới. Qua các báo cáo và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có thể thấy rằng, nước ta đã chiến đấu và chiến thắng trước đại dịch Covid-19, dù có nhiều mất mát, tổn thất nhưng chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Đồng thời đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chủ quyền được giữ vững; xu hướng ổn định và tăng trưởng được là chủ đạo.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023 (chưa kể 2% cộng thêm của gói kích thích). Kết quả này cho thấy sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ, cũng như sự đồng hành, sát sao, hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi, lạm phát, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu đã và đang tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Nước ta như cơ thể mới hết ốm, đang phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch vừa phải căng mình xử lý các vấn đề tồn đọng, vừa phải triển khai một khối lượng đồ sộ các nhiệm vụ mới, cấp bách và khẩn trương.
"Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi nhiều hơn là thuận lợi và cơ hội. Hướng phát triển là chủ đạo nhưng nền tảng có nhiều nội dung chưa thực sự vững chắc. Do đó, mọi diễn biến cần được theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản, giải pháp chủ động, linh hoạt, kịp thời để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra" - đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.
Có tiền mà không thể tiêu được
Trong tình hình hiện nay, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị quyết 43 và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm. "Việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn" - đại biểu đoàn Đồng Nai nói.
Bên cạnh đó, đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình.
"Có một sự “sốt ruột không hề nhỏ” khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách. Nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của Chương trình là rất khó khả thi" - đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, cải cách thủ tục hành hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện giải ngân, triển khai chính sách.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá các chính sách đặc thù, đặc biệt đã và đang triển khai nếu có hiệu quả, khả thi thì sớm trình Quốc hội ban hành cơ chế thống nhất, triển khai lâu dài, đồng bộ, hiệu quả.
Trước vấn đề này, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) đồng tình, giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng quá chậm.
"Quốc hội thảo luận thông qua Nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhanh nhất nhưng đến nay có vẻ như chưa qua được "vòng thủ tục", tiến độ rất chậm dù đã có cơ chế đặc thù nên khó có thể nói đến hiệu quả như đã được thiết kế trong đề án, chương trình” - đại biểu đoàn Điện Biên nêu.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Quảng Bình chia sẻ, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ cũng đánh giá thẳng thắn những hạn chế, tồn tại và đưa ra những giải pháp cụ thể.
“Tuy nhiên, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị suy giảm, kéo theo những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia” - đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.