Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp
Trong 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh ước đạt tăng 8,6%, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,6% đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào sản xuất công nghiệp và phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch vụ.
Để có được kết quả trên, ngay từ những tháng đầu năm 2021, ngành Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các ban ngành liên quan kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim… vào hoạt động, bổ sung thêm năng lực sản xuất mới, do đó đã đẩy tốc độ tăng trưởng trong khu vực công nghiệp tăng mạnh.
Ngành Công Thương Quảng Ninh tích cực phối hợp cùng các đơn vị kêu gọi đầu tư vào tỉnh |
Đồng thời, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các huyện, thị, thành phố thực hiện di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn tỉnh và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, từ đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Đặc biệt, ngành đã tham gia hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược triển khai đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) như các dự án của Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Vingroup, Texhong… Việc tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư tại các CCN đã mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế thực hiện Đề án xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040…
Được biết, tỉnh Quảng Ninh vừa thành lập các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh với sự tham gia của Sở Công Thương Quảng Ninh.
Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng trưởng công nghiêp. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp, đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh, đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” KCN - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hình thành các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển cụm liên kết, tăng cường liên kết trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
Thông qua Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Quảng Ninh để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác |
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành Công Thương đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và mở rộng của các dự án sản xuất động lực, sớm đưa vào hoạt động một số nhà máy công nghiệp, chế biến chế tạo. Qua đó, góp phần quan trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Có thể kể đến như dự án Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công của Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần vào thu ngân sách Nhà nước của Quảng Ninh, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Tiếp đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, với số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 500 triệu USD là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay vào địa bàn các KCN của tỉnh và một số dự án khác như nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam; Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam; Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận; Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam; Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng trưởng tốt |
Theo đại diện Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Trung Quốc), trong thời gian hoạt động, địa phương đã thường xuyên tổ chức đối thoại gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoàn thành các thủ tục. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ ngành Công Thương Quảng Ninh, các hoạt động của công ty đều diễn ra thuận lợi. Đây chính là lý do để công ty tiếp tục xây dựng Nhà máy may mặc tại phường Cẩm Phú (Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) với tổng đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Được biết, ngày 24/10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khởi công Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư tại phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW, tổng chi phí dự kiến hơn 47.300 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu có 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.712,64ha. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 60-75%. |