Áp lực hệ thống điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải giai đoạn 2016 - 2030, mỗi năm, hệ thống điện phải bổ sung khoảng 6.000 - 7.000 MW công suất. Trong khi nguồn điện dự phòng gần như không còn, các dự án điện của các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) nằm trong quy hoạch điện VII điều chỉnh không thể đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.
Cầu tăng cao tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điện |
Trước tháng 6/2019, một loạt các nhà máy điện mặt trời sẽ được đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống điện, thế nhưng các nhà máy này lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, gây quá tải cục bộ cho lưới điện truyền tải. Cùng với đó, là sự suy giảm về nguồn khí; các hồ thủy điện miền Trung thiếu hụt nguồn nước do hiện tượng El Nino. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN buộc phải huy động các nguồn điện chạy dầu, giá thành sản xuất điện cao.
Thiếu nhiên liệu đầu vào cũng là một vấn đề mà EVN đang phải đối mặt. Năm 2019, nguồn than trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu than và tiến hành pha trộn với than trong nước.
Theo tính toán sơ bộ, việc sử dụng than pha trộn sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện, dẫn đến giá mua điện của EVN và các đơn vị thành viên tăng thêm khoảng 1.490 tỷ đồng. Cùng với đó, giá khí bao tiêu cũng tăng, ngành điện còn phải chịu thêm phí và thuế bảo vệ môi trường đối với nhiệt điện than, phí chênh lệch tỷ giá, cộng thêm việc huy động các nguồn điện có giá thành cao… làm cho chi phí đầu vào của sản xuất điện dự kiến sẽ tăng thêm khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Đây sẽ là áp lực rất lớn lên hệ thống điện trong những năm tới.
Quan tâm đến cung - cầu
Giáo sư- Viện sỹ Trần Đình Long cho biết, từ trước tới nay, để đảm bảo cân bằng điện năng, chúng ta mới chỉ chú ý nhiều đến cung. Về phía cầu, chúng ta chưa quan tâm đúng mức mặc dù đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Để đảm bảo có sự cân bằng hợp lý, phải có sự quan tâm đầy đủ cả hai phía cung và cầu.
Theo Giáo sư Long, hiện trên thế giới sử dụng 2 chỉ số đặc trưng cho phát triển năng lượng nói chung, điện lực nói riêng bao gồm cường độ điện năng và hệ số đàn hồi điện. Nước nào có nền công nghiệp phát triển càng cao thì chỉ số này càng thấp. Nước nào quản lý nhu cầu điện năng tốt, hệ số đàn hồi thấp, trên dưới 1, còn ở Việt Nam, hệ số đàn hồi đang xấp xỉ bằng 2. Con số này cho thấy rằng ngành điện rất vất vả để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Còn chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn còn bao cấp giá điện, nên nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều điện năng, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất thép, xi măng... Do đó, cần xóa bỏ bao cấp giá điện, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, cần phải tăng cường tiết kiệm điện.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, giải pháp hữu hiệu để kiểm soát nguồn cầu là đẩy mạnh việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất với công nghệ cao; đồng thời đưa giá bán điện theo đúng cơ chế thị trường (đúng và đủ).
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân: Để đảm bảo cân bằng cung - cầu điện, EVN sẽ nỗ lực đảm bảo nguồn nhiên liệu; khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo; đồng thời triển khai các biện pháp để kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. |