Cách nào hạ nhiệt giá xăng dầu? Giá xăng dầu hôm nay 1/7: Giá giảm dù nguồn cung thắt chặt |
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua tiếp tục có một số biến động và vẫn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị, lạm phát. Đầu kỳ, giá xăng dầu tăng do các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp từ Nga tiếp tục được áp dụng nghiêm khắc, OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác nhưng không nhiều, bất ổn chính trị tại Libya, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran không tiến triển… gây lo ngại cho nguồn cung.
Giá xăng dầu đã có xu hướng giảm trở lại |
Dữ liệu Bộ Công Thương cũng cho thấy, những ngày gần đây khi Mỹ công bố sản lượng xăng dầu dự trữ tăng cùng với nhu cầu xăng dầu tại Mỹ giảm do giá cao và quan điểm đánh đổi tăng trưởng để kiểm soát lạm phát (khiến kỳ vọng nhu cầu giảm) nên giá xăng dầu đã có xu hướng giảm trở lại.
Theo đó, giá xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 21/6/2022 và ngày 1/7/2022 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu là: 147,776 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,817 USD/thùng, tương đương giảm 1,215% so với kỳ trước); 154,844 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,366 USD/thùng, tương đương giảm 0,875% so với kỳ trước; 161,920 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,330 USD/thùng, tương đương giảm 4,331% so với kỳ trước); 167,395 USD/thùng dầu điêzen (giảm 5,170 USD/thùng, tương đương giảm 2,995% so với kỳ trước); 606,395 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 42,777 USD/tấn, tương đương giảm 6,589% so với kỳ trước).
Tại thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,73% lên 106,53 USD/thùng vào lúc 7h34 (giờ Việt Nam) ngày 1/7. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 cũng tăng 0,66% lên 109,94 USD/thùng.
Giá dầu giảm thêm khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 30/6 vì OPEC+ xác nhận rằng tổ chức này chỉ có thể sản lượng trong tháng 8 như mức đã công bố trước đó, bất chấp nguồn cung toàn cầu thắt chặt, khiến thị trường lo ngại về sản lượng trong tương lai.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 3,42 USD/thùng (3%) xuống 109,03 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 4,02 USD (3,7%) xuống 105,76 USD.
Trước đó, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng dầu/ngày vào tháng 7 và tháng 8.
Các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga kể từ khi quốc gia này tấn công Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, gây ra lo ngại lạm phát và suy thoái.
Giá dầu giảm cùng chứng khoán Phố Wall hôm 29/6. Chỉ số S&P 500 trong đà ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ 1970, do lo ngại việc các ngân hàng trung ương quyết tâm kiềm chế lạm phát sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đà giảm càng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà giao dịch Mỹ rời khỏi thị trường trước kỳ nghỉ lễ Quốc khách cuối tuần kéo dài 3 ngày.
Phil Flynn - nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết, mọi người đang rút tiền ra khỏi các khoản đầu tư.
Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung hơn nữa có thể hạn chế sự sụt giảm của giá trong bối cảnh xuất khẩu của Libya từ hai cảng phía đông bị đình trệ, trong khi sản lượng của Ecuador giảm do các cuộc biểu tình đang diễn ra, theo Reuters.