Thời điểm 16h chiều 30/4/2024, giá vàng SJC của một số thương hiệu trong nước biến động nhẹ so với rạng sáng cùng ngày.
Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng SJC tại đơn vị này đang "nghỉ lễ" cùng người lao động. Giá vàng giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra từ đầu dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC đang ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC. Ảnh chụp màn hình lúc 16h ngày 30/4/2024 |
Cùng thời điểm, giá vàng SJC được thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 82,95 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra ở mức 84,8 triệu đồng/lượng.
So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại thương hiệu này được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng nhẹ 50.000 đồng ở chiều bán ra.
Chênh lệch giá mua bán vànng SJC tại đơn vị này đang ở mức 1,850 triệu đồng/lượng.
Giá vàng niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu. Ảnh chụp màn hình lúc 16h ngày 30/4/2024 |
Thời điểm trưa ngày 30/4, giá vàng thế giới đang dao động quanh mức 2,328 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,4% lên mức 2,357 USD/ounce. Quy đổi theo giá vàng thế giới, hiện giá vàng SJC đang ở mức 72,66 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới từ 12-13 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2,322,36 USD/ounce, tăng 8,54% so với tháng 3/2024 do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng 3/2024; tăng 17,01% so với tháng 12/2023, tăng 28,62% so với tháng 3/2023. Chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,75%.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện ba lần đấu thầu vàng miếng SJC nhằm bình ổn thị trường vàng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, sau hai phiên đấu thầu không thành công và một phiên có khối lượng mua 3.400 lượng vàng SJC, như vậy, các mục tiêu đặt đều đã không đạt được. Trái ngược lại với kỳ vọng của giới đầu tư, sau phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng SJC đã bị đẩy lên mức cao kỷ lục.
Nhà đầu tư không nên vội đầu tư vàng, đặc biệt đầu tư theo kiểu "lướt sóng", bởi chênh lệch giá mua bán vàng vẫn đang ở mức cao. Ảnh minh họa |
Đưa ra những dự báo về giá vàng trong thời gian tới, nhiều nhà phân tích cho rằng, giá vàng trong nước vẫn chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn đang chịu tác động từ những cuộc căng thẳng địa chính trị, do vậy, giá vàng được dự báo sẽ tăng nhiều hơn giảm.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư và người dân nên trọng trong giao dịch mua bán vàng ở thời điểm này. Bởi hiện nay, khoảng cách chênh lệch giá mua vàng ở trong nước vẫn còn rất cao, trung bình từ 1,8 - 2,2 triệu đồng/lượng, nhiều thời điểm, mức chênh lệch này còn lên tới 2,5 triệu đồng/lượng. "Mức chênh lệch giá mua bán vàng ở ngưỡng 2 - 2,5 triệu đồng/lượng là quá cao, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng nhiều hơn" - một số chuyên gia nhận định và cho rằng, để hài hòa lợi ích của các bên, mức chênh lệch giá mua bán vàng chỉ nên ở trong khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng.
Anh Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) - một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường khuyến cáo, thời điểm này mọi người không nên vội đầu tư vàng, đặc biệt đầu tư theo kiểu "lướt sóng", bởi chênh lệch giá mua bán vàng vẫn đang ở mức cao, nếu "lướt sóng" thời điểm này, mọi người sẽ nhận ngay mức thua lỗ từ 1,8 - 2,2 triệu đồng/lượng.