Giá vàng thế giới đột ngột "quay đầu"
So sánh với giá vàng đầu giờ sáng đến trưa ngày 1/11/2023, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Thời điểm 11h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang niêm yết mức 70 triệu đồng/lượng mua vào và 70,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Bảng giá vàng SJC cập nhật lúc 11h trưa ngày 1/11 |
Bảng giá vàng tại DOJI cập nhật lúc 11h trưa ngày 1/11 |
Tương tự, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội và Đà Nẵng cũng được điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với bảng giá đầu giờ sáng ngày 1/11. Đến 11h trưa ngày 1/11, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng niêm yết ở mức 69.950 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.750 đồng/lượng chiều bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào ở mức 70.000 đồng/lượng và bán ra mức 70.700 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới rạng sáng nay giảm với vàng giao ngay giảm 11,6 USD xuống còn 1.983,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.992,6 USD/ounce, giảm 12 USD so với rạng sáng qua.
Vàng thế giới kết thúc tháng 10 với mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022 nhờ lực mua trú ẩn an toàn do lo ngại xoay quanh cuộc xung đột Israel-Hamas. Trong phiên giao dịch cuối của tháng, thị trường vàng trầm lắng khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào thứ 4 (giờ Mỹ).
Nguyên nhân khiến giá vàng “nhảy múa” trên bình diện quốc tế là do “sức nóng” từ cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Hamas và Israel. Thêm vào đó, một số nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Singapore mua bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối chuẩn bị cho Tết Nguyên đán; người dân một số quốc gia chuyển sang mua vàng để tích trữ và đầu tư dài hạn. Ở trong nước, giá vàng tăng, giảm theo xu hướng của giá vàng thế giới và một phần là do yếu tố tâm lý, đầu cơ của một số doanh nghiệp.
Vàng trong nước giảm giá, người dân mua tích trữ?
Xu thế mới của giá vàng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thị trường kim loại quý. Hai tuần trước, khi giá vàng trong nước liên tục tăng theo xu hướng thế giới, vượt qua ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, không ít người tranh thủ giao dịch. Phần lớn các nhà đầu tư, thậm chí là người dân mang vàng đi bán chốt lời, để hưởng chênh lệch “khủng” khi giá trên đỉnh. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn “ôm” vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng tiếp, trước những bất ổn của kinh tế thế giới.
Nhiều nhà đầu tư vẫn “ôm” vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng tiếp, trước những bất ổn của kinh tế thế giới |
Chỉ mua vào chứ không bán ra, đó là tâm lý chung của nhiều người như chị Thanh Hằng (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong buổi sáng nay (1/11). Theo chị Hằng, đầu giờ sáng nay vàng trong nước đã tăng giá trở lại sau hai hôm suy giảm, tuy nhiên, hiện tại, giá vàng đã giảm 100.000 đồng/lượng. So sánh với giá thế giới, giá vàng trong nước đang cao hơn đến 10 triệu đồng/lượng, do vậy, chị Thanh Hằng cho rằng, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, nên phù hợp với nhu cầu mua tích trữ.
“Tôi nghĩ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, nhất là ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị, vàng sẽ là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nên tôi mua” - chị Thanh Hằng chia sẻ.
Trước diễn biến giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới, các chuyên gia cũng khuyến cáo nếu đầu tư cần nghiên cứu kỹ. Bởi nếu mua vàng làm kênh trú ẩn, tích trữ dài hạn thì hãy mua giai đoạn này, còn nếu chỉ là kênh đầu cơ có thể gặp rủi ro cao.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh theo dõi sát thị trường thế giới, cẩn trọng trước các quyết định giao dịch. Không nên bán hoặc mua ồ ạt do mức chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới vẫn cao và giá vàng sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh.