Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới? Việt Nam đã nhập khẩu bao nhiêu hồ tiêu từ thị trường Brazil? |
Tại thị trường trong nước, giá tiêu tăng nhẹ trong mấy ngày vừa qua và phổ biến quanh mức 148.000 – 150.000 đồng/kg. Thị trường thiếu các yếu tố hỗ trợ khiến giá tiêu vẫn chưa bật lên trên ngưỡng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá như hiện nay đã cao gấp đôi so với năm 2023, người trồng tiêu đã thu lợi nhuận không nhỏ.
Giá tiêu: Nhiều lực đỡ cho thị trường sắp tới |
Dù vậy, giá tiêu tăng không ngừng cũng khiến không ít những người trồng tiêu tiếc nuối do thời gian trước giá tiêu luôn đứng ở mức thấp, nên người trồng tiêu giảm mức đầu tư khiến năng suất không được như kỳ vọng. Cùng với đó, không ít hộ đã nhổ hồ tiêu đi và chuyển sang trồng chanh leo, sầu riêng,…
Ông Đặng Văn Cấp – hộ trồng tiêu tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) – cho hay, trước đây, gia đình có 7.000 trụ tiêu. Trong thời gian trước, do giá tiêu đứng ở mức thấp nên gia đình ít đầu tư cho cây tiêu. Một số diện tích được gia đình chuyển sang trồng sầu riêng và bưởi. Năm nay, giá tiêu tăng liên tục từ đầu năm đến nay. Hiện, thương lái vẫn nườm nượp đổ về các vườn tiêu để săn lùng mua tiêu hạt, nhưng gia đình không còn hồ tiêu để bán.
Thị trường giá tiêu toàn cầu cùng tăng kéo giá tiêu trong nước tăng. Cập nhật giá tiêu thế giới lúc 9h59 ngày 24/7 từ Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế cho hay, giá tiêu đen tại thị trường Indonesia đang ở mức 183.206 đồng/kg; giá tiêu đen của Brazil đứng ở mức 181.524 đồng/kg; giá tiêu đen Malaysia đứng ở mức 191.078 đồng/kg; giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 g/l đứng ở mức 152.862 đồng/kg còn loại 550 g/l đứng ở mức 168.149 đồng/kg. Như vậy, giá tiêu của Việt Nam vẫn đang thấp hơn các nước sản xuất hồ tiêu top đầu thế giới khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, với mức tăng từ 3.686 USD/tấn lên 5.727 USD/tấn, hồ tiêu là mặt hàng có mức tăng về giá xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông sản trong nửa đầu tháng 7/2024. Khối lượng xuất khẩu hồ tiêu tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.796 tấn, trị giá 61 triệu USD, tăng tới 137%.
Còn theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), Indonesia thu hoạch hồ tiêu vào tháng 7 với sản lượng dự kiến tốt ở hầu hết vùng trồng trọng điểm. Những cơn mưa rải rác trong giai đoạn phát triển có lợi cho việc hình thành trái tiêu. Mặc dù ước tính sản lượng tốt, nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá vì các nhà đầu cơ đã cố gắng mua hết nguyên liệu có sẵn.
Theo số liệu, hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khẩu khoảng 50 nghìn tấn hồ tiêu từ Việt Nam. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam của thị trường này giảm mạnh, chỉ đạt con số 7.453 tấn, giảm 85,2%.
Năm nay, tại vùng sản xuất hồ tiêu chính của Trung Quốc, tình trạng mất mùa cũng đáng lo ngại, giới đầu cơ đang găm hàng. Theo chuyên gia, rất có thể Trung Quốc và các nhà buôn châu Âu đang chờ thông tin và các đợt ra hàng mới từ vụ thu hoạch ở Indonesia.
Nếu vụ mùa ở quốc gia Đông Nam Á này kém thuận lợi, tình trạng sản lượng thấp và đầu cơ tại nội địa tại Trung Quốc kéo dài khiến họ phải tăng cường nhập khẩu mạnh trở lại hồ tiêu Việt Nam. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cuối năm của giá tiêu Việt Nam.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Sản lượng hạt tiêu niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sụt giảm khá nhiều so với niên vụ trước khiến nguồn cung ở thời điểm hiện tại cạn kiệt. Không chỉ ở trong nước, nguồn cung tiêu trên toàn cầu cũng đang khan hiếm do ảnh hưởng của El Nino. Về dài hạn, sản lượng tiêu của Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong vòng 5 năm tới.
Dù vậy, thị trường đang chờ đợi thông tin từ Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu ngành hàng gia vị 6 tháng đầu năm 2024 và định hướng sản xuất, kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2024 của VPSA diễn ra cuối tháng 7 này.