Cấm tăng giá thuốc phòng, chống dịch đau mắt đỏ Rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế |
Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình mỗi ngày có tới 40 trường hợp bị viêm kết mạc cấp (còn gọi là đau mắt đỏ) đến khám, đa số là trẻ nhỏ ở Hà Nội. Đáng lo ngại, có hơn 10% gặp biến chứng nặng.
Không chỉ ở Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh những ngày qua tại các bệnh viện tuyến cuối có chuyên khoa mắt cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám vì bệnh đau mắt đỏ.
Báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, số lượt khám vì viêm kết mạc từ đầu năm đến nay là 71.740 lượt. Những ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng. Trong đó khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học.
Gia tăng số bệnh nhân đau mắt đỏ |
Nhiều địa phương trong cả nước cũng ghi nhận số bệnh nhân đau mắt đỏ gia tăng, thậm chí tăng cao nhất so với 10 năm trở lại đây.
Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ thường do virus. Thời điểm này phần lớn là adenovirus. Vì thế, nhiều trẻ còn bị kèm viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt... Đường lây chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp, dụi tay vào mắt hoặc sử dụng chung đồ chơi, vật dụng cá nhân với trường hợp đã nhiễm virus.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt. Bệnh thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng như viêm kết mạc nặng hơn, viêm giác mạc, loét giác mạc…
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để điều trị bệnh đau mắt đỏ, cho nên điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi và sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
Thông thường bệnh đau mắt đỏ sẽ thuyên giảm từ 7-10 ngày. Bệnh nhân có dấu hiệu đau mắt đỏ nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán phân biệt, đau mắt đỏ đó là do viêm kết mạc cấp hay là do những nguyên nhân khác, để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường…
Để phòng tránh bệnh, cùng với khuyến cáo giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang để phòng bệnh, các bác sĩ cũng lưu ý: Gia đình khi có trẻ bị đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, không áp dụng phương pháp dân gian như xông mắt bằng lá trầu không, bởi có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, gây bỏng, hỏng giác mạc của trẻ.