Theo đó, tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống 5,1% trong năm nay so với 5,2% của năm 2017 và sẽ tiếp tục giảm tương đối trong năm 2019 xuống 4,8% do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ và sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dù số liệu thương mại khu vực mới đây kỳ vọng vào lực cầu bên ngoài được duy trì phần nào, nhưng các chỉ số trước mắt cho thấy đà xuất khẩu suy giảm trong mấy tháng tới, trong đó tổng chỉ số PMI của Đông Nam Á giảm nhẹ xuống mức 50,9 điểm trong tháng 7 so với 51,1 của tháng 6.
Bà Sian Fenner - Cố vấn Kinh tế ICAEW kiêm Trưởng Chuyên gia kinh tế châu Á của Đại học Kinh tế Oxford - cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu tăng, trong đó có sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như áp lực tăng do đồng đô la Mỹ mạnh lên và việc Mỹ nâng lãi suất, chúng tôi dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn khu vực sẽ tiếp tục giảm nhẹ sang đến năm 2019. Đây sẽ là diễn biến trong bối cảnh lực cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ và các hình thức bảo hộ thương mại tăng”.
Trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đạt kết quả vượt trội trong khu vực với nền kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 và 6,3% năm 2019. Trong khi đó, kinh tế Singapo dự kiến sẽ chậm lại thấy rõ, qua đó cho thấy sự phụ thuộc lớn của nước này vào xuất khẩu (chiếm khoảng 174% GDP).
Leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng Nhân dân tệ giảm giá và mới đây là cuộc khủng hoảng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến việc các đồng tiền của thị trường mới nổi (TTMN) suy yếu so với đồng đôla Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản vững chắc mà các đồng tiền châu Á vẫn giữ được giá trị và chỉ giảm nhẹ.
Thời gian tới, các đồng tiền của TTMN nhiều khả năng sẽ biến động nhiều hơn do dự báo về đồng đôla Mỹ tiếp tục mạnh lên trong ngắn hạn, lãi suất của Mỹ tăng và sau nữa là tình hình tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu. Diễn biến giá dầu, chính sách thương mại mới của Mỹ, cũng như diễn biến của các sự kiện địa chính trị lớn (như cấm vận Iran, bất ổn chính trị ở châu Âu…) sẽ càng làm tăng sự biến động này.
Ngược lại, phần lớn các đồng tiền châu Á nhiều khả năng sẽ vẫn tương đối mạnh so với các đồng tiền của TTMN khác. Các đồng tiền châu Á khó có thể có biến động lớn và đến cuối năm 2018, những nền kinh tế có nền tảng mạnh dự kiến sẽ có đồng tiền tăng giá nhẹ so với đồng đôla Mỹ.