Hoa Kỳ kết luận cuối cùng về điều tra chống bán phá giá sợi PTY của Việt Nam Bộ Công Thương: Rà soát lần thứ nhất áp dụng biện pháp chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester |
Tại buổi Họp chuyên đề tháng 3 tổ chức gần đây, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin: Đối với thị trường bông xơ, Trung Quốc có xu hướng tăng mua bông sau kỳ nghỉ Tết âm lịch phục vụ cho sản xuất và quỹ dự trữ bông Nhà nước.
Giá bông tại Pakistan tăng cao, trong đó giá các mặt hàng nông nghiệp như ca-cao, cà phê đều có xu hướng tăng dẫn tới giá bông có thể có xu hướng tăng. Chi phí vận tải biển tăng, nên các quốc gia có xu hướng tăng mua dự phòng. Dự kiến giá bông sẽ giao dịch quanh ngưỡng 90 cent/lb cho tới hết tháng 7, giá xơ sẽ không có nhiều biến động quanh ngưỡng 1- 1.05 USD/kg.
Giá sợi có xu hướng cải thiện từ 10 – 15% |
Giá sợi có xu hướng cải thiện từ 10 – 15%, khi Trung Quốc tăng 55% nhập khẩu sợi so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây chỉ là ngắn hạn khi sợi tồn kho của quốc gia này có xu hướng tăng. Cùng với đó, giá sợi Ấn Độ vẫn thấp hơn 10 – 15 cent/kg so với sợi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp ngành sợi vẫn có thể còn khó khăn khi giá sợi chưa có sự cải thiện và giá bông ở mức cao.
Sợi là một trong số mặt hàng nhập khẩu cũng là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của ngành dệt may. Đặc biệt, ngành dệt may của Việt Nam nhập khẩu phần lớn sợi từ Trung Quốc, do đó doanh nghiệp Việt Nam đang khuyến cáo bám sát diễn biến thị trường để có quyết định mua-bán cho phù hợp.
Thời điểm hiện tại doanh nghiệp ngành sợi trong nước đang khó chồng khó khi thiếu đơn hàng, nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là tình trạng thiếu vốn cho duy trì sản xuất. Do vậy, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị, với doanh nghiệp ngành sợi, ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất.
Mặt khác, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Theo đó, ông Lê Tiến Trường cho rằng, câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ Covid-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu. "Chính sách liên quan đến tỷ giá, 2 năm vừa qua mức giảm giá của Việt Nam đồng chỉ 5% rất khó khăn cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh khác. Chúng tôi cũng không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% thì ít và khó cho các ngành xuất khẩu phục hồi", ông Lê Tiến Trường nói.
Ông Vương Đức Anh cũng đưa ra một số yếu tố rủi ro tác động tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, năm 2024 cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 do xung đột tại biển Đỏ. Đồng thời, các yếu tố địa chính trị vẫn tiếp diễn dai dẳng, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại, điều này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam.
Mặt khác, thị trường Mỹ sẽ giảm nhập khẩu mặt hàng bông từ Trung Quốc, do đó cần phải đảm bảo vấn đề về truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu. Việt Nam có lợi thế về đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm dệt may, do đó vẫn có những cơ hội tại thị trường này.