Uniqlo là thương hiệu thời trang nổi tiếng tại Nhật Bản hiện đang được Tập đoàn Fast Retailing – liên doanh dự án Uniqlo Việt Nam xin giấy phép và mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Dù chưa chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng sản phẩm của Uniqlo được người tiêu dùng Việt Nam khá ưa chuộng. Tuy nhiên, theo khảo sát của đại diện hãng, tại thị trường Việt Nam hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu trong đó có thương hiệu Uniqlo khá phổ biến.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh (ở giữa) phát biểu tại buổi làm việc |
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ, hiện nay, tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái sản xuất tại Việt Nam vẫn đang diễn ra một cách phổ biến. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Tổng cục đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các địa bàn, doanh nghiệp, trung tâm thương mại và thu giữ được một lượng lớn các sản phẩm giả thương hiệu của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc chống hàng giả, hàng nhái tại thị trường Việt Nam đang gặp phải những khó khăn nhất định. Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT kiến nghị, phía Uniqlo cần hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng thực thi những dấu hiệu vi phạm, xâm phạm nhãn hiệu bước đầu của một sản phẩm để có thể tiến hành kiểm tra.
“Để mang lại hiệu quả, rút ngắn thời gian trong quá trình kiểm tra, phía Uniqlo cần cử đại diện pháp lý của hãng tại thị trường Việt Nam để có thể cùng lực lượng QLTT xác minh chính xác vi phạm nếu có.” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ông Noriaki Koyama - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fast Retailing (ở giữa) |
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được nhận định là hai địa bàn có tỷ lệ hàng hoá làm giả nhãn hiệu Uniqlo nhiều nhất. Bên cạnh đó, lượng hàng hoá được chào bán trên mạng cũng là một hình thức kinh tiềm ẩn nhiều vi phạm. “Quan trọng nhất là sự phối hợp của doanh nghiệp với cơ quan thực thi sớm và thường xuyên” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định và cho rằng, cần tập trung vào những điểm nóng, những địa bàn trọng điểm có lượng hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ mạnh. Một khi Uniqlo có mặt chính thức tại thị trường Việt Nam thì tỷ lệ hàng giả thương hiệu này có thể sẽ tăng lên.
Thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ có những cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc để xem mức độ vi phạm sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo. “Đối với riêng thị trường Việt Nam, Uniqlo cũng nên cân nhắc có những dấu hiệu nhận diện riêng của hãng để chủ động trong việc kiểm soát hàng hoá cũng như phòng tránh các đối tượng làm giả sản phẩm mang thương hiệu của mình.” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Nhận thấy những hiệu quả ban đầu trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái mà Tổng cục QLTT đã mang lại trong thời gian qua, ông Noriaki Koyama - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fast Retailing – bày tỏ mong muốn, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo sẽ được kiểm soát tại thị trường Việt Nam.