Khủng hoảng năng lượng đang dần hiện hữu tại nhiều nơi thế giới đã đẩy giá năng lượng tăng cao. Nhiều quốc gia không đủ nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước. Cùng với đó là tình trạng thiếu than để sản xuất điện tại một số nước như Australia, Ấn Độ...
Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian dài, xung đột giữa Nga và Ucraina cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Và từ tháng tư cho đến nay, giá dầu thô vẫn tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng lên, điều này đã dẫn đến tỷ lệ lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới.
Tại các nước Nam Á, những tháng gần đây biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt điện độ tăng cao khiến nhiều quốc gia tại khu vực Nam và Đông Nam Á đã phải cắt điện trên toàn quốc như: Pakistan, Sri Lanka, Myanmar...khiến 300 triệu người chịu ảnh hưởng.
Riêng ở Ấn Độ, khoảng 16 trong số 28 bang - tức là nơi sinh sống của hơn 700 triệu người - phải vật lộn với cảnh mất điện từ 2-10 giờ mỗi ngày trong tháng 5 vừa qua. Để đối phó, gần đây chính phủ Ấn Độ chỉ đạo tăng mua than của nước ngoài dù giá cả đắt đỏ, đồng thời đảo ngược các chính sách môi trường để mở rộng khai thác than.
Trong khi đó, chính quyền nhiều nơi tại Nhật Bản cũng lo lắng không kém, nhất là sau đợt thiếu điện nặng nề hồi tháng 3 /2022 vừa qua. Một đợt lạnh lúc đó khiến nhu cầu dùng điện tăng mạnh trong khi chỉ vài ngày trước, một trận động đất khiến nhiều nhà máy than và khí đốt phải ngừng hoạt động.Trước những dự báo không mấy sáng sủa, chính quyền thủ đô Tokyo đã khởi động chiến dịch tiết kiệm năng lượng, bao gồm kêu gọi người dân bớt xem tivi.
Việc thiếu nguồn cung năng lượng cùng với giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao đã khiến chỉ số tiêu dùng tại các nước cũng tăng theo. Tại Mỹ tháng 02/2022 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 01/1982, Nhật Bản tháng thứ 6 liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng tăng, lạm phát tại Anh cũng lên mức cao nhất trong 30 năm qua.
Có thể nhận thấy, năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6%.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định, mặc dù giá xăng dầu tăng đã kéo theo tỷ lệ lạm phát có chiều hướng tăng lên, giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống và sản xuất của doanh nghiệp cũng có nhiều biến động. Tuy nhiên phải khẳng định một điều rằng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành và sự quyết liệt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã giúp kìm sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.
Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, đồng thời tham gia ký kết 17 FTA, đến đầu năm 2022 Việt Nam đã được 90 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, do vậy hoạt động của nền kinh tế của Việt Nam cũng phải tuân thủ theo quy luật của thị trường thế giới nhất là mặt hàng nhiên liệu như: xăng, dầu, than… hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Sản xuất và tiêu thụ điện của Australia và Việt Nam
Tại Australia, tuần vừa qua nhiều cơ quan báo chí trong nước đã nói đến câu chuyện thiếu điện tại quốc gia này.
Năm 2020, tổng sản lượng điện của nước này sản xuất là 265 TWh tương đương với 265 tỷ kWh (1 TWh = 10^9 kWh). Trong khi đó, sản lượng điện của Việt Nam năm 2021 là 256,7 tỷ kWh. Như vậy, sản lượng điện của hai nước là tương đương.
Về GDP của Australia năm 2021 là 1.371 tỷ USD, gấp 4,7 lần Việt Nam, trong khi con số này của Việt Nam là 290 tỷ USD. Công nghiệp của Australia chiếm khoảng 25% GDP tương đương với 340 tỷ USD còn Việt Nam đạt 98 tỷ USD tương đương với khoảng 34% GDP.
Về dân số, Australia có khoảng 26 triệu người, chỉ bằng 1/4 dân số của Việt Nam, tuy nhiên tiêu thụ điện hộ gia đình Australia khoảng 60 TWh, chiếm 1/4 lượng điện sản xuất. Bình quân đầu người của Australia đạt 2.300 kWh/năm. Giá điện hộ gia đình 0,216 USD/kWh tương đương khoảng 4.968 đồng/kWh (Tính theo tỷ giá 1 USD=23.000 đồng). Tính ra mỗi người dân Australia tiêu tốn khoảng 500 USD/năm tương đương với khoảng 11,5 triệu đồng tiền điện.
Cơ cấu nguồn điện của Australia |
Trong khi đó, điện sinh hoạt của Việt Nam chiếm khoảng 28% tổng điện tiêu thụ. Tính ra bình quân đầu người khoảng 740 kWh/năm, bằng 1/3 bình quân của Australia, với giá 0,081 USD/kWh tương đương với 1.863đồng/kWh (giá Australia gấp 2,7 lần), mỗi người dân Việt Nam tính trung bình tiêu tốn khoảng 60 USD/năm.
Điện dùng cho doanh nghiệp của Australia tính ra còn ít hơn so với Việt Nam, nhưng GDP cao gần gấp 5 lần. Giá điện kinh doanh của Việt Nam là 0,076 USD/kWh, còn Australia là 0,181 USD/kWh (gấp 2,4 lần Việt Nam). Kết quả này cho thấy Việt Nam đang thu hút nhiều công nghiệp tiêu tốn điện so với Australia.
Còn nếu so sánh 1kWh điện làm ra số GDP tính theo USD của các nước thì : Mỹ là 5,6 USD, Trung Quốc là 2 USD, Nhật Bản là 5 USD, Đức là 7,3 USD, Nga 1,7 USD, Australia là là 5,2 USD trong khi đó Việt Nam chỉ đạt 1,1 USD.
Về cơ cấu nguồn điện của Australia, năm 2020 gồm nhiên liệu hoá thạch 76% (than 54%, gas 20% và dầu 2%), năng lượng tái tạo 24% (mặt trời 9%, gió 9%, thuỷ điện 6%). Trong đó, 16% sản lượng điện được phát bởi các doanh nghiệp và gia đình ngoài ngành điện.
So sánh cơ cấu điện Việt Nam năm 2021 thì nhiệt điện than 46%, thuỷ điện 30,6%, gas 10,25%, mặt trời 10,85%, gió 1,3%, sinh khối 0,12%, khác 0,32%, nhập khẩu 0,55%.
Giá điện và GDP
Còn tại Hoa Kỳ, năm 2021, tiêu thị điện của quốc gia này là 4.120 tỷ kWh, với tổng dân số là 330 triệu người, như vậy bình quân đầu người đạt xấp xỉ 12.500 kWh Với GDP đạt 22.940 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 5,6 USD GDP. Giá điện hiện tại của Hoa Kỳ dành cho sản xuất, kinh doanh 0,121 USD /kWh tương đương với 2.783 đồng/kWh, cho các hộ gia đình 0,159 USD/kWh tương đương với 3.657 đồng/kWh cao gần gấp đôi so với Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, năm 2021, đất nước này tiêu thụ khoảng 8.313 tỷ kWh, với dân số khoảng 1,4 tỷ người, như vậy bình quân đầu người tiêu thụ 5.940 kWh/năm. Năm 2021, GDP của Trung Quốc đạt 16.860 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 2 USD GDP. Giá điện hiện tại của Trung Quốc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh là 0,097 USD/kWh tương đương với 2.231đồng/ kWh, giá dành cho các hộ gia đình 0,085 USD/kWh tương đương với1.955 đồng/kWh.
Trong khi đối với Nhật Bản (nền kinh tế thứ 3 thế giới) năm 2021 tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này là 1.005 tỷ kWh, như vậy với tổng số dân là 126 triệu người, bình quân mối người dân Nhật Bản tiêu thụ 7.980 kWh/năm. Với GDP 5.100 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 5 USD GDP. Giá điện hiện tại của Nhật Bản dành cho sản xuất kinh doanh là 0,181 USD/kWh tương đương với 4.163 đồng/kWh, cho hộ gia đình là 0,236 USD/kWh tương đương 5.428 đồng/kWh.
Tại Đức, nền kinh tế thứ 4 thế giới, năm 2021 tổng mức tiêu thụ điện của Đức là 579 tỷ kWh, với dân số 83 triệu người, như vậy bình quân đầu người là 6.925 kWh/năm. Với GDP của Đức đạt 4.230 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 7,3 USD GDP. Giá điện hiện tại của Đức dành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là 0,265 USD/kWh tương đương với 6.095 đồng/kWh, cho tiêu dùng gia đình là 0,340 USD/kWh tương đương 7.820 đồng/kWh.
Còn tại Nga, nền kinh tế thứ 11 thế giới, năm 2021 đất nước này tiêu thụ khoảng 1.000 tỷ kWh, với dân số là 144 triệu người, như vậy bình quân đầu người đạt 7.000 kWh/năm. Với GDP đạt 1.650 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 1,7 USD GDP. Giá điện hiện tại của Nga dành cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là 0,092 USD /kWh tương đương với 2.116 đồng/kWh, và hộ gia đình là 0,064 USD/kWh tương đương 1.472 đồng/kWh..
Còn tại Việt Nam, 2021 chúng ta tiêu thụ 257 tỷ kWh, với khoảng 97 triệu dân, như vậy bình quân đầu người là 2.650 kWh/năm. Với GDP 370 tỷ USD (theo số liệu của World Bank) thì mỗi kWh tương ứng với 1,4 USD GDP. Giá điện hiện tại của Việt Nam dành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh 0,077 USD/kWh tương đương với 1.771 đồng/kWh, giá điện cho tiêu dùng gia đình là 0,082 USD/kWh tương đương với 1.886 đồng/kWh.
Qua số liệu trên cho thấy các nước phát triển đại diện là Hoa Kỳ, Nhật, Đức tiêu thụ điện thấp so với GDP làm ra. Trung Quốc và Nga đều tiêu thụ nhiều so với GDP. Tuy nhiên, nếu so sánh với PPP thì chỉ số so sánh này thu hẹp lại.
Việt Nam có quy mô kinh tế tính theo đầu người rất thấp nên tiêu thụ điện trên đầu người thấp. So sánh với GDP thì nền kinh tế của ta gia công nhiều, giá trị GDP dựa vào sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, giá điện của Việt Nam thuộc loại rẻ.
Về cơ cấu nguồn điện
Hoa Kỳ: Khí đốt 38%, than 22%, hạt nhân 19%, gió 9.2%, thuỷ điện 6.3%, mặt trời 2.8%, sinh khối 1.3%, địa nhiệt 0.4%.
Trung Quốc: Nhiệt điện 68%, thủy điện 18%, gió 6%, hạt nhân 5%, mặt trời 3%.
Nhật Bản: hạt nhân 41%, khí hoá lỏng 22.4%, than 20.8%, thuỷ điện 8.8%, dầu 5.3%, tái tạo 1.6%.
Đức: than (than nâu và than đá) 28.1%, gió 20.3%, khí tự nhiên 15.4%, hạt nhân 11.9%, sinh khối (biomass) 8.8%, quang điện (photovoltaic) 8.5%, nước 3.3%, rác thải 1%, khác 3.7%.
Liên Bang Nga: khí đốt 45.7%, hạt nhân 20.3%, thuỷ điện 18.1%, than 14.3%, gió 0.3%, mặt trời 0.2%, khác 1.1%.
Việt Nam: Nhiệt điện than 46%, thuỷ điện 30.6%, tua-bin khí 10.25%, mặt trời 10.85%, gió 1.3%, sinh khối 0.12%, khác 0.32%, nhập khẩu 0.55%.
Việt Nam đang có nhu cầu gia tăng rất lớn về nguồn điện để đáp ứng tăng trưởng GDP cũng như tiêu thụ bình quân đầu người đang rất thấp. Nếu không sử dụng điện than, không có khí đốt, hạt nhân do e ngại mức độ an toàn thì Việt Nam gần như không có cách nào đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội của người dân.
Yếu tố cạnh tranh về giá
Giá rẻ là một yếu tố cạnh tranh quan trọng trên thị trường hàng hoá quốc tế. Trung Quốc bao năm là công xưởng của thế giới bởi ưu thế mạnh mẽ cả về số lượng và giá cả. Hàng Việt Nam nhiều loại kém cạnh tranh so với Trung Quốc bởi nguyên vật liệu hay thiết bị máy móc phải mua từ chính Trung Quốc. Các yếu tố quyết định về giá thường liên quan chi phí nhân công rẻ, giá năng lượng rẻ.
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ 179,5 tỷ USD và xuất 576,1 tỷ USD, thặng dư 396,6 tỷ USD. Cũng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 15,4 tỷ USD và xuất 96,3 tỷ USD, thặng dư 80,9 tỷ USD. Tỷ lệ thặng dư mậu dịch của Việt Nam cao hơn, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam lại có tỷ lệ lớn là nhập đầu vào từ Trung Quốc.
Năm 2021, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 110 tỷ USD nhưng xuất chỉ 56 tỷ USD, thâm hụt mậu dịch 54 tỷ USD.
Ngoài tương đồng về chi phí nhân công, Trung Quốc và Việt Nam cũng có giá năng lượng và nhiên liệu không khác nhau nhiều. Trong tuần đầu tiên tháng 6 giá xăng Việt Nam 1,389 USD/lít thì Trung Quốc là 1,452 USD/lít. Trung Quốc có giá điện kinh doanh 0,095 USD/kWh thì Việt Nam là 0,076 USD/kWh. Trung Quốc dùng toàn bộ thuế VAT hàng nhập khẩu để trợ giá xuất khẩu, còn Việt Nam chỉ không áp dụng thuế VAT cho hàng xuất khẩu (như hầu hết các nước khác).
Giá năng lượng rẻ cũng là một ưu thế cạnh tranh mà các nước phát triển (trừ Mỹ) không thể nào có được. Đức có giá điện kinh doanh 0,266 USD/kWh (gấp 2,8 lần Trung Quốc), xăng 2,322 USD/lít (gấp 1,6 lần Trung Quốc).
Nhật Bản có giá điện kinh doanh 0,181 USD/kWh (gấp 1,9 lần Trung Quốc), xăng 1,281 USD/lít (0,88 lần Trung Quốc).
Còn Mỹ có giá điện kinh doanh 0,121 USD/kWh (gấp 1,27 lần Trung Quốc), xăng 1,265 USD/lít (0,87 lần Trung Quốc).
Số liệu gần đây của Mỹ sản xuất điện 38,3% là từ khí đốt, 21,8% than, 18,9% hạt nhân, 9,2% gió, 6,3% thuỷ điện, 2,8% mặt trời.
Số liệu 2020 của Trung Quốc cho thấy 56,7% điện năng là từ than, 19,7% dầu, 8,2% khí đốt, 8,1% thuỷ điện, 2,9% gió, 2,2% hạt nhân, 1,6% mặt trời.
Số liệu 2021 của Việt Nam thì sản xuất điện 46% từ than, 30,6% thuỷ điện, 10,9% mặt trời, 10,3% khí đốt, 1,3% gió.
Mỹ có điện giá rẻ là nhờ nhiên liệu hoá thạch dồi dào và điện hạt nhân.
Ở một diễn biến khác, giá xăng dầu đang tăng cao. Xăng, dầu tăng tác động đến nhiều loại giá cả hàng hoá ở chi phí vận chuyển, lưu thông. Chi phí tăng cộng vào giá làm hàng hoá kém cạnh tranh. Nhà nước giảm thuế xăng, dầu có thể kiềm chế tác động tiêu cực của phản ứng tăng giá dây chuyền. Tuy nhiên, ở góc độ cân đối vĩ mô, nhà nước giảm bất kỳ khoản thu nào cũng lại ảnh hưởng các chi tiêu khác.
Có ý kiến cho rằng tìm cách trợ giá xăng dầu (với một nền kinh tế có độ mở giá trị xuất khẩu bằng GDP) thì có thể thiệt đến lợi ích quốc gia cũng không phải không có lý. Đã đến lúc phải xem lại yếu tố cạnh tranh nhờ nhân công rẻ, điện năng rẻ thực tế là phản ảnh hàng hoá rất kém cạnh tranh.
Một vấn đề đặt ra, khi giá năng lượng tăng, người dân trong nước cho rằng chúng ta thu nhập thấp thì không nên so sánh với các nước giàu có thu nhập tính theo đầu người gấp 5, gấp 10 Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu xăng dầu từ bên ngoài theo giá thị trường thế giới. Do đó, việc biến động giá lên xuống như một điều tất yếu. Và để tránh những tác động quá lớn, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cũng đã vào cuộc nhanh chóng để đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất có thể.