UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để mất vốn vay |
Ngày 27/12, theo nguồn tin của Báo Công Thương cho biết, liên quan đến việc để mất nguồn vốn vay Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” tại tỉnh Gia Lai. Các đơn vị, cá nhân liên quan đã có báo cáo giải trình lên UBND tỉnh này.
Bộ NN&PTNT kiểm tra an toàn hồ chứa Ia Ring tháng 7-2022. |
Theo đó, các đơn vị liên quan cho rằng việc triển khai dự án trên đã không thể thực hiện được chủ yếu là do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan:
Mất nhiều thời gian cho việc điều chỉnh nhiều hạng mục của dự án. Dự án được lập từ năm 2016, phê duyệt năm 2018 nên không phù hợp với thực tế triển khai giai đoạn 2021-2022; Quá trình lập dự án phải điều chỉnh 03 lần (các năm 2020, 2021 và 2022) do thay đổi phương án kỹ thuật, bổ sung nhiều hạng mục khác dẫn đến thời gian khảo sát, điều chỉnh dự án kéo dài như bổ sung xử lý thấm, sửa chữa thân đập hồ Ia Năng và hồ Hà Tam, điều chỉnh phương án tuyến kênh hồ chứa Ia Ring.
Khối lượng bồi thường GPMB lớn dẫn đến vượt tổng mức đầu tư (TMĐT), vốn đối ứng của tỉnh cho dự án, số vốn vượt không nằm trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh (giai đoạn 2021-2025) và sau khi điều chỉnh dự án vào năm 2021 thì vẫn thiếu trên 1,1 tỷ đồng phục vụ cho công tác GPMB.
Riêng đối với tuyến kênh dẫn Hồ chứa Ia Ring, dự án được lập, phê duyệt với Tần suất lũ thiết kế 1%, nhưng phương án trong Dự án được duyệt không thể triển khai trên thực tế do khối lượng GPMB lớn, vượt TMĐT và nguồn vốn đối ứng của tỉnh nên các Sở ngành và Chủ đầu tư nghiên cứu phương án điều chỉnh với Tần suất tiêu thoát lũ 10%. Phương án này chưa tối ưu, không đảm bảo việc xả lũ. Trên cơ sở đó Chủ đầu tư và các Sở Ngành liên quan đã kiến nghị không triển khai trong dự án này mà tách riêng dự án, sử dụng nguồn vốn khác để có một phương án tối ưu, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) không chấp thuận phát sinh các hợp đồng mới sau khi gia hạn thời gian thực hiện.
Các đơn vị liên quan còn cho biết trong quá trình lập dự án giai đoạn 2016-2018 chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc; chưa tính toán đầy đủ dẫn đến việc phải bổ sung một số hạng mục và chủ đầu tư không sử dụng được vốn đối ứng đã cấp trong năm 2018, 2019 dẫn đến bị chuyển cho dự án khác; khi triển khai điều chỉnh dự án bị thiếu phần vốn đối ứng.
Về việc hủy vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ đưa Khu công nghiệp Nam Pleiku (KCN) vào hoạt động, trao đổi với P.V về vấn đề này, Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai-cho hay: “Mục tiêu của Dự án WB8 do Ngân hàng Thế giới tài trợ theo các Quyết định phê duyệt dự án của Bộ NN & PNTN và UBND tỉnh Gia Lai là đảm bảo an toàn các hồ chứa; quá trình lập, phê duyệt dự án không tính toán đến mục tiêu đấu nối với KCN Nam Pleiku.”
Trước đó, Báo Công Thương đã thông tin về việc UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân để mất vốn liên quan đến Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” vay vốn WB.
Việc hủy vốn này đã để mất vốn đầu tư, không đầu tư được hạng mục Kênh xả sau tràn hồ chứa nước Ia Ring, làm ảnh hưởng đến tiến độ đưa Khu công nghiệp Nam Pleiku vào hoạt động và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
Được biết, Tiểu Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB8) tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư trên 127 tỷ đồng, trong đó: Vốn WB là hơn 121 tỷ đồng; vốn đối ứng trên 6,5 tỷ đồng. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp 08 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm: Hồ Ayun Hạ; Hồ Hà Tam; Hồ Ia Năng; Hồ Ea Dreh; Hồ Ia Ring; Hồ Buôn Lưới; Hồ Plei Tô Kôn; Hồ Làng Me. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2022.
Đến nay dự án chỉ mới thi công nâng cấp hoàn thành cho 7/8 hồ chứa nước. Riêng hồ chứa nước Ia Ring, chưa thực hiện việc nâng cấp và đầu tư được hạng mục Kênh xả sau tràn hồ chứa nước này.