Cận cảnh tháp Vicem Tower nghìn tỷ "đắp chiếu" nhiều năm gây lãng phí Thanh Hóa: Nhiều lò đốt rác cả chục tỷ vận hành kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách Nhà nước |
Nhằm nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự án “Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai” có giá trị gần 122 tỷ đồng. Tuy nhiên, trang thiết bị trăm tỷ đồng đã được tập kết và trong tình trạng phủ bạt nhiều tháng nay, chưa biết khi nào được cho lắp đặt.
Gói thầu trang thiết bị gần 122 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, vào cuối năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: “Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường”, thuộc dự án: “Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường tỉnh Gia Lai”.
Liên danh Công ty Cổ phần MOPHA, Công ty Cổ phần Uy tín Toàn cầu và Công ty cổ phần Tư vấn Công nghệ - Thiết bị Phan Lê (gọi tắt là Liên danh MP-UTTC-PL) là đơn vị trúng thầu.
Với giá đề nghị trúng thầu là gần 122 tỷ đồng, giá đã bao gồm: Giá thiết bị, thuế, phí, lệ phí, chi phí vận chuyển và các chi phí khác có liên quan. Loại hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng 720 ngày.
Nguồn tin của Báo Công Thương cho hay: “Công ty Cổ phần MOPHA là công ty con của AIC, đa số nhân viên của Công ty AIC đều chuyển sang làm việc cho Công ty MOPHA.”
Đến tháng 12/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai thành lập Đoàn khảo sát, đề xuất vị trí lắp đặt các trạm quan trắc môi trường không khí, nước mặt tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh theo hợp đồng đã ký kết với Liên danh MP-UTTC-PL.
Qua thực tế khảo sát, giữa tháng 01/2023, bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai), Trưởng đoàn khảo sát, ký báo báo kết quả khảo sát về vị trí dự kiến lắp đặt các trạm quan trắc ở tỉnh Gia Lai.
Trang thiết bị trăm tỷ đồng đã được tập kết và trong tình trạng phủ bạt nhiều tháng nay, chưa biết khi nào được cho lắp đặt |
Theo báo cáo này, hầu hết các vị trí dự kiến có thể lắp đặt trạm quan trắc không khí và nước tự động, liên tục tại các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện... đều không phù hợp với Quyết định 254 của UBND tỉnh Gia Lai và không nằm trong quy hoạch theo Quyết định 568 về việc điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020.
Cụ thể, đối với khảo sát vị trí đặt trạm quan trắc không khí tự động, liên tục tại các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện... nhận thấy mật độ dân cư, mật độ giao thông, hoạt động của các doanh nghiệp có phát sinh khí thải không lớn, chưa thật sự cần thiết phải theo dõi, quan trắc. Đoàn khảo sát đề xuất không lắp đặt trạm quan trắc.
Đối với trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, đoàn khảo sát vị trí tại 7 huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện thì chỉ duy nhất vị trí tại huyện Đak Pơ đủ điều kiện, đáp ứng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất lắp đặt trạm quan trắc.
Thiết bị trăm tỷ phủ bạt ngoài trời
Hiện hàng loạt trang thiết bị quan trắc môi trường thuộc dự án “Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường tỉnh Gia Lai”, có tổng giá trị lên đến gần 122 tỷ đồng đã được phía nhà thầu Liên danh MP-UTTC-PL chuyển đến tập kết và đang phải phủ bạt nhiều tháng nay tại sân Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai).
Trụ sở Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Gia Lai |
Một vị lãnh đạo Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Gia Lai cho hay: “Số trang thiết bị quan trắc môi trường này được phía đơn vị nhà thầu đưa về tập kết vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa biết thời gian nào mới cho tiến hành lắp đặt. Nguyên nhân là do các vị trí khảo sát đặt trạm quan trắc không nằm trong quy hoạch tại Quyết định số 568 của UBND tỉnh Gia Lai ngày 22/6/2020 và vị trí không phù hợp với Quyết định số 254 ngày 17/3/2021 của UBND tỉnh Gia Lai.”
Trước đó, ngày 13/1/2023, ông Bùi Xuân Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MOPHA, đại diện phía nhà thầu cung cấp trang thiết bị Liên danh MP-UTTC-PL đã ký công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai.
Công văn này nêu rõ: “Hiện nay hàng hóa cho dự án đã được chuyến đến tập kết tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, sẵn sàng cho công tác lắp đặt và các công việc kế tiếp. Để chuẩn bị cho công tác lắp đặt, vận hành thử, đào tạo, nghiệm thu hàng hóa thiết bị, chúng tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai bàn giao mặt bằng thi công trước ngày 27/1/2023 để chúng tôi có thể thực hiện tốt nhất trách nhiệm như đã quy định trong hợp đồng.”
Theo quan sát của P.V, các trang thiết bị có giá hơn trăm tỷ đồng vẫn đang nằm trong thùng carton, thùng gỗ, chưa bóc tem chỉ được phủ bạt sơ sài, mặc cho mưa nắng trên khoảng sân của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Gia Lai. Được biết, số máy móc này có xuất xứ từ Nhật Bản.
Trang thiết bị tiền tỷ vẫn còn nằm trong thùng carton, thùng gỗ, chưa bóc tem và chỉ được phủ bạt, che chắn tạm bợ ngoài trời mặc cho thời tiết nắng, mưa |
Với tình cảnh thiết bị đắp chiếu ở cơ quan Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường… ngân sách Nhà nước đang lãng phí từng ngày.