UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo làm rõ nội dung Báo Công Thương phản ánh Gia Lai: Hỗ trợ bà con miền núi kết nối cung - cầu nông sản Thị trường hồ tiêu có quá nhiều biến động bất thường |
Tại tỉnh Gia Lai, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận được dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đã có điều kiện phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là về Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tiểu dự án này, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) đã xây dựng, hình thành các nhóm và tổ cộng đồng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Các dự án giảm nghèo được tỉnh Gia Lai thực hiện có hiệu quả. (Ảnh: Hồng Phong) |
Hơn thế, một số địa phương còn chọn những hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nhóm trưởng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ gia đình ông Đinh Vốt, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pơbah Ktu (xã An Trung, huyện Kông Chro) là một điển hình, ông Đinh Vốt cho biết: “Tôi được chọn làm nhóm trưởng giúp các hộ nghèo và cận nghèo trong làng nuôi bò sinh sản. Tôi chia sẻ, hướng dẫn cách trồng cỏ, tích trữ thức ăn trong mùa khô, cách phòng các loại dịch bệnh để bò phát triển và sớm sinh sản”.
Để triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 hiệu quả, nhiều địa phương đã hỗ trợ bò, dê, heo sinh sản, phân bón và trang bị máy móc theo nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo.
Trong đó, huyện Krông Pa đã hỗ trợ 186 con bò, 90 con dê và 37 con heo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huyện Chư Prông đã xây dựng 17 mô hình hỗ trợ phát triển cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp cho các xã, thị trấn với trên 200 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3, Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn các xã, thị trấn và tổ cộng đồng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi và trang, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, các nhóm cộng đồng đều lựa chọn phát triển chăn nuôi bò, heo và dê sinh sản để tạo sinh kế trong phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Y Nguyên Ênuôl, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, năm 2024, nguồn vốn dành cho Tiểu dự án 1-Dự án 3 khá lớn do chuyển nguồn từ những năm trước sang.
Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hướng dẫn các xã, thị trấn và nhóm cộng đồng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo, cận nghèo.
"Chúng tôi, sẽ mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tư vấn hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu của đối tượng thụ hưởng để sản xuất kịp mùa vụ, giúp họ vươn lên thoát nghèo trong những năm tới” - ông Y Nguyên Ênuôl cho biết.