Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai bị cưỡng chế, kê biên Công ty Điện Gia Lai huy động 100 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ Gia Lai: UBND huyện Chư Sê nợ như "chúa chổm", bị thanh tra đầu tư công và đấu thầu |
Không đúng quy hoạch của tỉnh
Ngày 4/7, theo nguồn tin của phóng viên Báo Công Thương, UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) đã có văn bản chưa thống nhất về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất cho doanh nghiệp chuyển đổi hàng trăm ha cây chè và cây cao su sang trồng khoai lang, chuối, hoa màu…
Lý do mà UBND huyện Chư Prông đưa ra là việc chuyển đổi các cây trồng mới không có trong phê duyệt quy hoạch UBND tỉnh thời kỳ năm 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi diện tích trồng cao su sang cây trồng khác. (Ảnh: Hồng Phong) |
Theo hồ sơ tài liệu, Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) muốn chuyển đổi diện tích trồng chè sang trồng chuối.
Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông ký văn bản phản hồi (ngày 12/6), địa phương chưa thống nhất với chủ trương chuyển đổi này. Huyện đưa ra lý do, theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Chè Bàu sau khi cổ phần hóa, tiếp tục sử dụng trồng chè và trồng cà phê, không đề cập đến nội dung chuyển đổi cơ cấu cây chè sang cây trồng khác.
Bên cạnh đó, huyện viện dẫn Quyết định số 1750 (năm 2023) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 cũng không có quy hoạch, định hướng chuyển đổi các diện tích chè hiện có trên địa bàn huyện sang cây trồng khác.
“Trong các văn bản định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050 không có kế hoạch chuyển đổi các diện tích trồng chè sang trồng các loại cây trồng khác. Do đó, việc thống nhất chủ trương chuyển đổi diện tích chè của Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn sang trồng chuối là chưa phù hợp” - theo văn bản của UBND huyện Chư Prông.
Không có cơ sở để chuyển đổi
Không chỉ đối với Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn, vào tháng 3/2024, UBND huyện Chư Prông cũng không thống nhất với việc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề xuất cho Công ty Cổ phần Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (Công ty Quang Đức) xin chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng cao su tại các xã Bàu Cạn, Ia Phìn, Ia Vê, Ia Kly sang trồng cây khoai lang, rau màu, dược liệu.
Tại huyện Chư Prông, đang tồn tại 359 ha cao su "vô chủ". (Ảnh: Hồng Phong) |
Theo UBND huyện Chư Prông, các Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về cho Công ty Quang Đức thuê đất quy định rõ: "Cho Công ty thuê đất để trồng cây cao su giải quyết lao động tại chỗ”. Như vậy, các diện tích đất đã được UBND tỉnh cho công ty này thuê tại xã Bàu Cạn, la Phìn, la Kly và la Vê là để trồng cây cao su, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cao su sang trồng các loại cây trồng khác là chưa phù hợp với quy định của UBND tỉnh.
Cũng theo huyện này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất thuê trồng cao su để khảo nghiệm các loại cây trồng mới là chưa đúng với Quy hoạch theo Quyết định số 111 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 948 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, từ năm 2005 đến nay, địa phương không nhận được báo cáo của doanh nghiệp về tình trạng cây cao su sinh trưởng, phát triển kém trên các diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê tại xã Bàu Cạn, la Phìn, la Kly và la Vê.
Về việc công ty này xin khảo nghiệm giống cây trồng mới, theo huyện Chư Prông, doanh nghiệp không đề cập đến nội dung, thời gian, địa điểm, diện tích, loại cây trồng khảo nghiệm, quy chuẩn kỹ thuật khảo nghiệm, tính pháp lý của đơn vị khảo nghiệm... Do đó, không có cơ sở để thống nhất doanh nghiệp triển khai thực hiện.
UBND huyện Chư Prông cho hay, việc xin khảo nghiệm giống cây trồng mới của doanh nghiệp chưa đảm bảo theo Luật Trồng trọt năm 2018. Theo huyện này, trong năm 2023 Công ty Quang Đức đã thực hiện chuyển đổi 312,49 ha đất trồng cây cao su tại xã Bàu Cạn, la Phìn, la Vê để trồng khoai lang Nhật, tuy nhiên, cây khoai lang Nhật không phải là cây trồng mới. Do đó, không có cơ sở xem xét việc trồng cây khoai lang là hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng mới.
Về tác động của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo huyện Chư Prông, Công ty Quang Đức đã thực hiện chuyển đổi đất trồng cây cao su sang các loại cây trồng khác nhưng không có kế hoạch, không thông báo với địa phương đã ảnh hưởng đến định hướng phát triển cây cao su của địa phương, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của huyện.
Một lãnh đạo huyện Chư Prông cho biết, việc thông tin của huyện là tham gia góp ý theo các quy định trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, việc chuyển đổi cây cao su sang các loại cây trồng khác, tỉnh Gia Lai đang chờ cơ quan chức năng ở Trung ương cho cơ chế đặc thù. “Bởi cây cao su ở đây kém phát triển, chết khá nhiều, nên đề xuất chuyển sang cây trồng khác, cho đỡ lãng phí”, người này nói.
Tại huyện Chư Prông, đang tồn tại 359 ha cao su được chăm sóc, khai thác mủ nhưng không một ai đứng ra nhận làm chủ của hàng trăm ha cao su này. Tại Hội nghị giao ban công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 1/7, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị cơ quan chức năng tỉnh này phải làm rõ: “Ai đứng sau 359 ha rừng cao su “vô chủ” này, ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc trên”. |