Hòa Bình: Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và 2 cán bộ Trung tâm sát hạch lái xe Hà Nội: Trung tâm Dạy nghề đào tạo lái xe Đức Thịnh “phá vỡ” quy hoạch đất cụm công nghiệp? |
Ngày 4/4, theo nguồn tin của Báo Công Thương cho biết, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi kết quả thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh gửi Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
Vướng hàng loạt sai phạm
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Gia Lai đã tiến hành làm việc đối với 8/9 cơ sở đào tạo lái xe, 10/12 trung tâm sát hạch lái xe. Qua đó, phát hiện các đơn vị này có nhiều sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.
Cụ thể, về phòng học chuyên môn, trang thiết bị phục vụ học và sát hạch, một số đơn vị có phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa thiếu trang bị hệ thống lái và bàn ghế cho giảng dạy, thực tập; phòng học Nghiệp vụ vận tải không có hệ thống bảng, biểu phục vụ giảng dạy nghiệp vụ chuyên môn về vận tải hàng hóa, hành khách, các tranh vẽ ký hiệu trên kiện hàng; phòng học môn Pháp luật giao thông đường bộ có hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ chưa được cập nhật lại theo QCVN 41:2019/BGTVT.
Thiếu máy phát điện dự phòng; có bộ đàm thông tin nội bộ chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không lưu trữ dữ liệu (camera) giám sát phòng sát hạch lý thuyết kỳ sát hạch và lưu trữ hồ sơ thiếu khoa học.
Cán bộ Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra các trung tâm có đảm bảo đủ điều kiện đào tạo và sát hạch lái xe. |
Về sân tập lái, sân sát hạch, một số đơn vị có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ chưa đúng kích thước và tại nút giao ngã tư có đèn tín hiệu giao thông chưa phù hợp với QCVN 41:2019/BGTVT. Xe tập lái có độ mòn lốp xe vượt quá quy định; phanh trợ giảng trên một số xe ô tô tập lái không có cao su chống trượt ở bề mặt bàn đạp; đơn vị chưa thực hiện theo quy định tại khoản12 Điều 80 Nghị định số 100/2019/ND-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đối với việc sử dụng phương tiện trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe.
Công tác tuyển sinh, đào tạo và giáo vụ, nhiều đơn vị không công khai quy chế tuyển sinh, quản lý đào tạo theo quy định; có một số hợp đồng đào tạo, thanh lý hợp đồng đào tạo thiếu chữ ký của người học lái xe hoặc không do người học lái xe trực tiếp ký. Giáo viên không có giáo án của môn học được phân công giảng dậy theo quy định.
Một số đơn vị đào tạo thực hành lái xe ô tô (một số khoá đang đào tạo) chưa phù hợp với thời gian trong Kế hoạch đào tạo, bố trí xe tập lái không có trong Kế hoạch đào tạo, phân công giáo viên không có trong Kế hoạch đào tạo tham gia giảng dạy, một số học viên chưa đủ số Km thực hành lái xe theo Kế hoạch đào tạo nhưng chưa được các đơn vị kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong Kế hoạch đào tạo cho phù hợp với thực tế.
Sân bãi tập và sát hạch lái xe của một trung tâm tại TP.Pleiku đang tiến hành điều chỉnh, sửa chữa. |
Ngoài ra, một số đơn vị còn tồn tại khác trong công tác đào tạo, giáo vụ như: Sổ cấp chứng chỉ chưa ghi đầy đủ ngày nhận chứng chỉ, thiếu chữ ký của người nhận; Báo cáo đăng ký sát hạch mô tô chưa phù hợp; thiếu Sổ lên lớp, Sổ theo dõi thực hành lái xe của giáo viên; Sổ lên lớp thiếu việc điểm danh học viên trong các buổi học; Sổ giáo án thực hành lái xe ô tô của một số giáo viên không có thể hiện ngày tháng dạy thực hành; Sổ theo dõi thực hành lái xe ô tô thiếu điểm danh học viên, thiếu số km dạy thực hành thực tế, thiếu chữ ký của giáo viên xác nhận một số ngày.
Đồng thời, các bài kiểm tra kết thúc các môn học của các khóa ô tô còn thiếu chữ ký của giáo viên chấm thi; Quyết định tổ chức kỳ kiểm tra kết thúc khóa học chưa thể hiện nội dung sát hạch của thí sinh; hồ sơ đào tạo mô tô hạng A1 chưa thể hiện việc học viên đăng ký tự học; lưu trữ hồ sơ kết quả sát hạch của Công ty và của Trung tâm sát hạch còn gộp chung vào nhau, chỉ lưu trữ bản sao của một số tài liệu có liên quan.
Cần xử lý nghiêm các sai phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe
Trao đổi với P.V về hướng xử lý đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sai phạm, ông Trần Đình Sơn – Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Gia Lai, cho biết: Trước các sai phạm trên của các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra vừa qua của đơn vị, trước tiên, Sở Giao thông – Vận tải sẽ gửi báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra cho phía Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải theo kế hoạch 954/KH-BGTVT ngày 03/02/2023 của Bộ GTVT, biết và tổng hợp.
Riêng đối với Trường Cao Đẳng nghề số 21 (cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, trung tâm sát hạch lái xe loại 2, trung tâm sát hạch lái xe loại 3), Sở GTVT chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra vì đơn vị có văn bản xin lùi thời gian kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để báo cáo, xin ý kiến Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng. Sau khi thống nhất thời gian kiểm tra đối với đơn vị, Sở GTVT sẽ tiến hành kiểm tra Trường Cao Đẳng nghề số 21 và báo cáo kết quả gửi Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải.
Sân sát hạch cấp GPLX hạng A1 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty Cổ phần Xây dựng-Vận tải Gia Lai). |
Sau khi gửi báo cáo về Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh sẽ tiến hành mời các đơn vị để xảy ra các sai phạm lên làm việc, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ thêm, hiện Sở Giao thông – Vận tải còn gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát vì không đủ nhân lực.
“Theo quy định, Sở Giao thông – Vận tải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lái xe; theo dõi, kiểm tra, khai thác và sử dụng dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và của cơ sở đào tạo lái xe để phục vụ công tác quản lý đào tạo. Tuy nhiên, với số lượng biên chế công chức hiện nay của phòng chuyên môn thuộc Sở so với số lượng tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe (Năm 2022, các đơn vị đã đào tạo lái xe ô tô cho 10.426 học viên).” – ông Sơn nói.
Ngoài ra, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch bị ảnh hưởng; nhiều quy định mới về đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sát hạch nhưng lệ phí sát hạch chưa được điều chỉnh tăng.
Phòng học chuyên môn, trang thiết bị phục vụ học và sát hạch, một số đơn vị có nhưng chưa đầy đủ và đảm bảo phục vụ cho công tác giảng dạy.. |
Theo tìm hiểu, những sai phạm trên đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch lái xe. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt tiền từ 600.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy theo mức độ và đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận hoạt động đào tạo lái xe hoặc Giấy chứng nhận hoạt động sát hạch lái xe từ 3 tháng đến 6 tháng; bị thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động đào tạo lái xe hoặc Giấy chứng nhận hoạt động sát hạch lái xe nếu tái phạm.
Việc xử lý nghiêm các sai phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe là cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này. Đồng thời, việc này cũng góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.