Nỗ lực kìm đà tăng giá hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh: Xăng dầu được đảm bảo, giá hàng hoá thiết yếu không tăng đến cuối tháng 3 |
Chi tiêu tăng gấp đôi
Ngày 11/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng RON 95 tăng 1.554 đồng lên 29.988 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng 1.491 đồng/lít, lên 28.959 đồng/lít. Với lần thứ 9 tăng giá xăng, hàng loạt hàng hoá, dịch vụ đã gián tiếp tăng theo, trong đó “nhạy” nhất là giá vé xe khách, dịch vụ vận chuyển.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ đầu tháng 5 đến nay, các hãng taxi, xe hợp đồng đều tăng cước thêm 10 - 15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, nhiều hãng xe khách tăng giá mạnh lên đến 30-40%. Tại tuyến Hà Nội - Nghệ An, một số nhà xe đã tăng giá vé xe lên gấp đôi so với thời điểm cuối năm ngoái.
Chị Trần Thị Thu (Yên Thành, Nghệ An) cho biết, trước đây trung bình giá vé xe chỉ 150-200 nghìn đồng, nay tăng lên 300-400 nghìn đồng. “Giá vé tăng nhanh đến mức, hành khách ai cũng sốc. Các nhà xe cho biết, nguyên nhân là giá xăng dầu tăng mạnh. Mỗi tháng, tôi đều ra Hà Nội để khám bệnh vài ba lần, riêng khoản đi lại, giờ mất cả triệu đồng”, chị Thu chia sẻ.
Không chỉ cước vận tải tăng, nhiều loại hàng hoá cũng đang “nhảy múa” theo giá xăng. Giá các loại rau củ trong khoảng 1 tháng trở lại đây đều tiếp tục tăng mạnh; như cải thảo 4.000 đồng/kg nay tăng 6.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/kg… Mỳ tôm, dầu ăn… cũng hưởng ứng đà tăng, mỳ Omachi tăng từ 180.000 đồng/thùng lên 200.000 đồng/thùng; các loại bia cũng tăng khoảng 10-15% so với đầu năm.
Chị Nguyễn Kim Phượng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chỉ tính riêng các chi phí cho ăn uống, giờ mỗi tuần gia đình chị phải chi thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng, mức chi tiêu gấp đôi so với trước, trong khi thu nhập vẫn không thay đổi.
Ở đô thị lớn như TPHCM, người dân càng gặp nhiều khó khăn hơn. Dắt chiếc xe ra đầu ngõ, anh Trần Hữu Tình (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đổ 40.000 đồng tiền xăng nhưng chỉ được hơn một lít.
Anh cho biết: “Cũng với số tiền này vài tháng trước, tôi có thể đổ đầy bình xăng để xuống TP Thủ Đức làm việc, nhưng giờ thì không đủ rồi. Do tôi là công nhân xây dựng, công trình ở đâu mình theo đó, lương chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày; ăn uống, đi lại tự túc. Trước đây, sau khi trừ chi phí, tôi vẫn còn 100.000 đồng đem về nhưng từ khi nhiều mặt hàng tăng giá, số tiền còn lại cũng vơi đi ít nhiều”.
Xin những thức ăn còn thừa như vài bìa đậu hũ, ít thịt cá, lá dưa chua… ở căng tin công ty, chị Thu Hằng (nhân viên vệ sinh ở quận 3, TPHCM) kho thành món thập cẩm làm bữa tối cho gia đình.
“Xăng dầu tăng giá nên hàng hoá cái gì cũng đắt đỏ theo. Rau trước kia giá khoảng 4.000-5.000 đồng đã đẩy lên 9.000-10.000 đồng/bó, cao gấp 2 lần ngày thường.
Trong khi đồng lương cố định 5 triệu đồng/tháng, nếu chi tiêu không tính toán rất dễ “âm” thu nhập. Để tiết kiệm chi tiêu, tôi thường chọn chợ cóc, hàng vỉa hè mua thực phẩm cho rẻ; thỉnh thoảng căng tin công ty còn dư thức ăn, tôi xin về chế biến lại cũng tiết kiệm được vài chục ngàn đồng”, chị Hằng nói.
Ngay khi vừa nghe thông tin xăng tăng giá, chị Minh (40 tuổi, giáo viên mầm non, ngụ quận 8) đã vội bê về nhà thùng mì gói để ăn sáng trong những ngày tới. Theo lời chị, gia đình chị có 4 người, trong đó 2 con đang tuổi đi học. Thu nhập mỗi tháng có hạn nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng gần đây tăng chóng mặt, rau củ, dầu ăn đến thịt cá đều tăng 5.000-10.000 đồng/kg.
“Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID -19, xăng tăng giá càng khiến cuộc sống của gia đình tôi thêm chật vật” - nữ giáo viên này nói.
Tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM, tiểu thương cũng buồn hiu vì vắng khách.
“Xăng vừa tăng, lập tức đơn vị vận chuyển đã báo cước vận chuyển tăng theo. Tôi không đồng ý là không có hàng bán”-bà Thủy, tiểu thương bán rau củ ở chợ Phú Lâm (quận 6) nói.
Doanh nghiệp… quá sức chịu đựng
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty cà phê nông sản Meet More lo lắng về tình hình kinh doanh của công ty trong thời gian tới khi nhiều mặt hàng nguyên liệu, cước vận tải, giá xăng dầu tăng giá cao và chưa có dấu hiệu dừng.
“Tôi đang đàm phán với một đơn vị cung cấp nguyên liệu, vì họ muốn tăng giá thêm 40%, bản thân đơn vị này cũng gặp khó nên đây là việc chẳng đặng đừng. Nhiều nhà cung cấp hiện nay cũng không dám ký hợp đồng một năm với mình vì sợ giá tăng cao, ký lâu dài là ôm lỗ” - ông Luận nói.
Xăng tăng giá kỷ lục khiến nhiều DN lao đao (ảnh chụp công nhân tại Công ty Meet More). Ảnh: U.P |
Theo ông Luận, xăng dầu tăng giá sẽ kéo giá của nhiều hàng hóa đầu vào sản xuất tăng theo, trong khi sản phẩm đầu ra không phải muốn là lên giá được, nhất là trong bối cảnh sức mua trong nước giảm, xuất khẩu cũng chựng lại. “Chi phí tăng liên tục như vậy nên mọi kế hoạch Meet More hoạch định từ đầu năm 2022 gần như phải thay đổi lại toàn bộ. Hiện, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng không biết sẽ cầm cự được bao lâu vì DN đã quá sức chịu đựng” - ông Luận tỏ ra lo lắng.
Công ty TMDV An Phúc (TP Thủ Đức) là DN chuyên kinh doanh nông sản. Ông Nguyễn Hữu Tuệ, đại diện công ty cho biết, sau Tết đã nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng với mức đề xuất tăng trong thời gian tới là 5-10%.
“Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thương thảo và giữ giá đến nay nhưng trước tình hình giá xăng tiếp tục lên cao khiến DN rất lo lắng. Thực tế này đang đẩy DN vào thế khó do những đơn hàng cung ứng ra thị trường nội địa đã được chốt giá từ trước Tết” - ông Tuệ nhấn mạnh.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng tăng tác động rất mạnh đến người lao động (NLĐ). “Tôi cho rằng, trong lúc này, Nhà nước cần có hỗ trợ NLĐ bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống” - ông Hiển nói.