Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/1/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm 0,53% xuống mức 2,83 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 2/2024.
Dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống Yamal-Europe |
Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho thấy bắt đầu từ đầu tuần tới, một đợt rét đậm sẽ bao trùm châu Âu, với nhiệt độ ở Paris và Berlin dự kiến sẽ thấp hơn mức bình thường trong 30 năm qua. Thời tiết lạnh hơn sẽ làm tăng nhu cầu về khí đốt do mức tiêu thụ điện và sưởi ấm cao hơn.
Song nhìn chung, giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức thấp trong nhiều tháng do mức tồn kho cao trên khắp châu Âu khiến thị trường bớt lo lắng về tình trạng thiếu nguồn cung.
Theo Bloomberg, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vượt qua hai nước xuất khẩu hàng đầu là Australia và Qatar. Cụ thể, Mỹ đã xuất khẩu 91,2 triệu tấn LNG trong năm 2023, tăng 14,7% so với năm 2022.
Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2022, ghi nhận sản lượng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 (giảm 1,9%), đẩy nước này xuống vị trí thứ ba. Còn Australia đứng thứ hai với sản lượng xuất khẩu không thay đổi nhiều so với năm 2022.
Alex Munton - Giám đốc nghiên cứu khí đốt và khí hóa lỏng toàn cầu tại hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group cho biết, năm 2023, Mỹ nổi bật trên thế giới về tăng trưởng nguồn cung LNG.
Sản lượng kỷ lục của Mỹ được thúc đẩy bởi 2 yếu tố: Cảng xuất khẩu Freeport LNG hoạt động hết công suất trở lại, giúp sản lượng tăng 6 triệu tấn; sản lượng cả năm tại cơ sở Calcasieu Pass của Venture Global LNG - liên doanh giữa ExxonMobil và QatarEnergy tăng 3 triệu m3 so với năm 2022.
Trong khi đó, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine đang giúp Liên minh châu Âu (EU) tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này. Tờ Financial Times của Anh đưa tin, các công ty châu Âu đã tăng tốc rút khí đốt tự nhiên khỏi các cơ sở của Ukraine để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm ngày càng tăng.
Theo Financial Times, các công ty châu Âu đã đẩy nhanh việc lựa chọn khí đốt tự nhiên từ Ukraine trong những tháng mùa đông, giảm khả năng lục địa này sẽ bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng khác, đặc biệt là sự gia tăng giá khí đốt.
Việc sử dụng khí đốt dự trữ ở Ukraine giúp châu Âu duy trì lượng dự trữ ở mức cao, giảm nguy cơ các cơ sở lưu trữ gần như trống rỗng do băng giá kéo dài vào cuối mùa đông. Các công ty châu Âu đã tích lũy khoảng 2,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trước khi mùa đông đến, đây là con số kỷ lục kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra,
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 1/2024 tăng, với mức tăng 6.000 đồng/bình 12kg, 22.500 đồng/bình 45 kg và 25.000 đồng/bình 50 kg.
Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) bán lẻ ra thị trường sau khi điều chỉnh tăng là 436.000 đồng/bình 12 kg.
Thương hiệu Gas City Petro thông báo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 474.000 đồng/bình 12 kg, 1.777.500 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, theo Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ ngày 1/1, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm 6.000 đồng/bình 12 kg lên 474.000 đồng/bình và 25.000 đồng/bình 50 kg lên 1.973.500 đồng/bình.
Theo các doanh nghiệp đầu mối gas, giá gas thế giới giao theo hợp đồng (CP) tháng 1/2024 tăng 10 USD/tấn, lên mức 625 USD/tấn so với tháng 12/2023 nên giá gas bán lẻ trong nước tăng theo.
Trước đó, trong năm 2023, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7); 6 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9, tháng 10 và tháng 11); tháng 12 không thay đổi.
Thông tin chỉ mang tính tham khảo!