Mở cửa phiên giao dịch sáng 29/3/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới tăng 1,98% lên mức 1,75 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2024.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Một mùa Đông ôn hòa với sản lượng kỷ lục cho phép các cơ sở tiện ích lưu trữ nhiều khí đốt hơn đáng kể so với bình thường vào thời điểm này trong năm. Các nhà phân tích ước tính lượng dự trữ khí đốt hiện tại cao hơn mức bình thường khoảng 41%.
Tuy nhiên, theo Reuters, lượng khí chảy vào các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở mức thấp do công tác bảo trì đang diễn ra tại nhà máy xuất khẩu của Freeport LNG ở Texas cũng gây áp lực lên giá.
Theo dự báo của Wood Mackenzie - Tổ chức nghiên cứu về năng lượng của Vương Quốc Anh, năm 2024 nhu cầu về khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu giảm, trong khi lượng dự trữ lớn cùng với thời tiết mùa đông ôn hòa ở Bắc bán cầu sẽ giữ giá khí đốt toàn cầu trong năm 2024 ở mức tương đối yếu.
Giá khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng LNG sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, giá tại châu Âu đã giảm 45% xuống còn 10 USD/mmbtu trong ba tháng qua.
Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Nghiên cứu Khí đốt tại Wood Mackenzie, dự báo giá năm 2024 sẽ thấp hơn trong phần lớn thời gian của năm ngoái, đặc biệt là giá kỳ hạn. Tăng trưởng nguồn cung LNG toàn cầu sẽ vẫn ở mức 14 triệu tấn, nhưng với nhu cầu LNG của châu Á vẫn còn yếu, sự cạnh tranh về LNG khó có thể nóng lên.
Một nguồn tin của Bộ Dầu khí Iran nói với OilPrice.com rằng, Nga và Iran đã ký 19 thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực khí đốt, cơ sở hạ tầng và tài chính trong những ngày gần đây, trong đó, khí đốt được coi là mũi nhọn.
Các thỏa thuận mới được xây dựng dựa trên các chủ đề hợp tác nâng cao quan trọng được nêu trong thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm giữa hai nước mà lãnh đạo Iran đã chính thức phê duyệt vào ngày 18/1/2024.
Một lĩnh vực đặc biệt được chú trọng là tăng cường hợp tác và kiểm soát trong lĩnh vực khí đốt toàn cầu. Hai nước lần lượt chiếm vị trí số một và số hai trong các nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới - Nga có khoảng 37 nghìn tỉ m3 và Iran với khoảng 32 nghìn tỉ m3.
Nga, Iran và Qatar chiếm tổng cộng khoảng 60% trữ lượng khí đốt của thế giới và là 3 quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập GECF - với 11 thành viên kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt toàn cầu, 44% sản lượng của thế giới, 53% đường ống dẫn khí và 57% xuất khẩu LNG.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ tháng 3 tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ 1/3/2024. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3 tại thị trường Hà Nội là 460.740 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 2.640 đồng/bình 12 kg và 10.560 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT) so với tháng 2.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) thông báo, tăng giá gas bán lẻ từ 1/3, mức tăng cụ thể 167 đồng/kg so với tháng trước, tương đương tăng 2.000 đồng/bình 12kg và 7.500 đồng/bình 45kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ của Gas South khi đến tay người tiêu dùng là 471.900 đồng/bình 12kg và 1.770.831 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng tăng 2.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 443.000 đồng/bình 12kg.
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, mặc dù hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 3 ở mức 635 USD/tấn, không thay đổi so với tháng 2 nhưng do biến động tỷ giá nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Như vậy, giá gas trong nước đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!