Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/1/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới tăng 2,65% lên mức 2,51 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 3/2024.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn ở mức dễ chịu, do tồn kho dồi dào và thời tiết ôn hòa đã lấn át căng thẳng địa chính trị ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) mới đây cho biết, thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu sẽ thắt chặt cho đến năm 2026, trong khi nhu cầu dự kiến tăng 1,5% vào năm nay và lên tới 22% cho đến năm 2050.
Trong báo cáo thường niên của mình, GECF đã cảnh báo về giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động nhiều tại thị trường châu Âu lẫn châu Á.
Đồng thời, tổ chức này lưu ý các nước đang ưu tiên giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng hơn các mục tiêu giảm thiểu khí thải nhằm chống biến đổi khí hậu, trong đó các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân.
Theo thông tin trên website chính thức của GECF, tổ chức này đại diện cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên bao gồm Qatar, Nga, Trinidad và Tobago. Các thành viên của tổ chức này nắm giữ hơn 2/3 nguồn cung khí đốt của thế giới.
Chính phủ Australia mới đây cho hay, nước này đã đạt được hai thỏa thuận cung cấp cho thị trường nội địa để cung ứng năng lượng cho các trạm khí đốt dọc bờ biển phía đông, với hy vọng giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung khí đốt trong nước.
Các nhà phân tích và Cơ quan Điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) đã cảnh báo rằng Australia có kế hoạch cho phần lớn đội tàu chở than của nước này ngừng hoạt động vào năm 2033 và đặt niềm tin vào năng lượng tái tạo, nhưng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nếu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Mặc dù là một nhà xuất khẩu LNG lớn, Australia đã phải đối mặt với các vấn đề về cung cấp khí đốt ở bờ biển phía đông và vào năm 2022. Australia cũng đã đưa ra mức trần giá khí đốt tự nhiên cho thị trường nội địa. Mức trần này nhằm giảm thiểu tác động của việc nguồn cung khí đốt quốc tế thắt chặt vào năm 2022 dẫn đến giá tăng vọt.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 1/2024 tăng, với mức tăng 6.000 đồng/bình 12kg, 22.500 đồng/bình 45 kg và 25.000 đồng/bình 50 kg.
Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) bán lẻ ra thị trường sau khi điều chỉnh tăng là 436.000 đồng/bình 12 kg.
Thương hiệu Gas City Petro thông báo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 474.000 đồng/bình 12 kg, 1.777.500 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, theo Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ ngày 1/1, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm 6.000 đồng/bình 12 kg lên 474.000 đồng/bình và 25.000 đồng/bình 50 kg lên 1.973.500 đồng/bình.
Theo các doanh nghiệp đầu mối gas, giá gas thế giới giao theo hợp đồng (CP) tháng 1/2024 tăng 10 USD/tấn, lên mức 625 USD/tấn so với tháng 12/2023 nên giá gas bán lẻ trong nước tăng theo.
Trước đó, trong năm 2023, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7); 6 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9, tháng 10 và tháng 11); tháng 12 không thay đổi.
Thông tin chỉ mang tính tham khảo!