Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/10/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm 0,58% xuống mức 3,23 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023.
Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới |
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy 97,89%, vượt mục tiêu của khối về việc dự trữ đạt 90% vào ngày 1/11.
Mặc dù, mức dự trữ khí đốt cao cùng với giá năng lượng gần đây giảm nhưng các nước EU vẫn lo ngại nguồn cung khí đốt vẫn có thể gặp rủi ro trong mùa sưởi ấm do xung đột Israel - Hamas.
Tờ Financial Times mới đây dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, EU có thể kéo dài chính sách giá trần khí đốt khẩn cấp được đưa ra từ mùa đông năm ngoái để tránh đợt tăng giá mới.
“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong năm nay. Chúng tôi không biết tình hình đang xảy ra ở Israel sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hàng nhập khẩu từ Trung Đông” - một nhà ngoại giao EU nói.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo, bất kỳ diễn tiến leo thang xung đột nào cũng có thể khiến giá khí đốt tăng vọt. Bên cạnh đó, nguy cơ khác ảnh hưởng tới giá khí đốt là các cơ sở hạ tầng khí đốt bị phá hoại, đặc biệt là sau vụ rò rỉ gần đây tại đường ống Balticconnector. Đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối Phần Lan và Estonia đã bị đóng cửa hồi đầu tháng 10 bởi một vụ phá hoại.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy cảnh báo, thị trường khí đốt EU sẽ khá biến động trong mùa đông này ngay cả khi các kho dự trữ khí đốt của khối ở mức cao kỷ lục. Dự kiến cạnh tranh với châu Á ngày càng tăng có thể đẩy giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao.
Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ sớm bằng với mức cung cấp cho EU trước khi bị trừng phạt, theo CEO Gazprom. Dự báo được ông Aleksey Miller, CEO Gazprom đưa ra mới đây.
Cũng theo người đứng đầu tập đoàn dầu khí nhà nước của Nga, chỉ có xuất khẩu sang Trung Quốc mới có thể thay thế được sản lượng khí đốt không còn bán cho EU.
Vào tháng 1/2023, Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho nước này. Nguồn cung cấp qua đường ống "Power of Siberia" đã tăng 50% trong năm nay, lên 15,5 tỷ m3. Dự báo doanh số bán khí đốt qua đường ống sang Trung Quốc tăng 43%, lên 22 tỷ m3 vào 2023.
Tại thị trường trong nước, theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh gas, từ ngày 1/10/2023, giá gas bán lẻ tăng 1.667 đồng/kg (gồm VAT), tương đương tăng 20.000 đồng/bình 12kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam (PetroVietNam Gas) thông báo tăng giá bán lẻ từ ngày 1/10, mức tăng 1.667 đồng/kg, tương đương 20.000 đồng/bình 12 kg và 75.000 đồng/bình 45 kg so với tháng 9.
Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/10 tăng 20.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 426.500 đồng/bình 12 kg.
Đại diện thương hiệu City Petro cho biết, từ 1/10, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 75.000 đồng loại bình gas 45kg, 83.000 đồng đối với bình gas 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đối với loại bình gas 12kg của hãng này là 464.000 đồng sau tăng giá.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ 7 giờ 30 ngày 1/10, giá gas của công ty tăng thêm 20.000 đồng/bình 12 kg và 83.000 đồng/bình 50 kg.
Nguyên nhân tăng giá gas đợt này do giá gas thế giới bình quân tháng 10/2023 là 607,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 9/2023.
Ngoài ra, giá gas tăng cao còn bởi vụ nổ tại nhà máy lọc dầu Bandar Abbas ở miền Nam Iran sau khi rò rỉ khí gas khiến nguồn cung nhiên liệu thế giới bị ảnh hưởng, giá dầu thế giới vì vậy tăng sát mốc 94 USD/thùng.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas tăng cao. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 5 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9 và tháng 10).