Mở cửa phiên giao dịch sáng 13/9/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã giảm 0,76% xuống mức 2,73 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, nước này ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, mặc dù tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha đang giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu khí đốt từ Nga tăng 70%, chiếm 21% tổng lượng nhập khẩu. Theo đó, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Tây Ban Nha sau Algeria.
Tây Ban Nha không phải là khách hàng duy nhất mua khí đốt của Nga ở Liên minh châu Âu (EU) bất chấp mục tiêu chính thức của khối này là thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch từ Moskva trong vòng vài năm tới.
Một phân tích của các nhà vận động cho thấy từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, các nước EU đã nhập khẩu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) từ Nga nhiều hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) Vitaly Markelov cho biết, Gazprom dự kiến đưa vào hoạt động thêm 2 dây chuyền tại nhà máy xử lý khí đốt Amur ở vùng Viễn Đông vào đầu năm 2024.
"Kế hoạch của chúng tôi là khởi động thêm 2 dây chuyền vào đầu năm sau và đến năm 2025, chúng tôi sẽ vận hành tất cả 6 dây chuyền và đạt công suất thiết kế" - ông Markelov nhấn mạnh.
Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tăng đều đặn kể từ đầu năm, với nhu cầu ngày càng tăng ở cả châu Âu và châu Á. "Xuất khẩu LNG có thể sớm bắt kịp khí đốt xuất qua đường ống do xuất khẩu LNG “hiệu quả và linh hoạt hơn" - Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov nói.
Sản lượng LNG của Nga hiện không đủ đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng. Do vậy, Nga cần có những dây chuyền hóa lỏng khí mới khi tất cả năng lực hiện đó đã đưa vào sử dụng.
"Có nhiều khách mua LNG của Nga trên khắp thế giới. Khách mua LNG của Nga không chỉ là các đối tác của Nga ở Đông Nam Á mà còn có cả người tiêu dùng ở châu Âu" - Bộ trưởng Năng lượng Nga cho hay.
Theo báo cáo gần đây của Global Witness dựa trên dữ liệu của Kpler, Trung Quốc là khách mua LNG lớn nhất của Nga trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, tiếp theo là Tây Ban Nha và Bỉ. Trong giai đoạn báo cáo, lượng mua LNG Nga của EU đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,7% so với năm 2022.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 9/2023 tiếp tục tăng tháng thứ hai liên tiếp theo đà tăng của giá gas trên thị trường thế giới. Cụ thể, các hãng gas tăng giá với loại bình gas 12kg có mức tăng 33.000 đồng/bình. Tương đương giá gas tăng khoảng 2.750 đồng/kg.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 9/2023 tại thị trường Hà Nội là 413.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.652.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 33.000 đồng/bình 12kg và 132.000 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, từ ngày 1/9, giá bán gas SP của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) tăng 2.750 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12kg sẽ được bán ở mức 406.500 đồng.
Các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro cũng tăng 124.000 đồng loại bình gas 45kg, 137.500 đồng đối với bình gas 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đối với loại bình gas 12kg của hãng này là 444.000 đồng sau tăng giá.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV gas LPG miền Nam cho biết, giá gas của hãng tăng 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT).
Nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng 9/2023 tăng là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 9/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó. Bên cạnh đó, sự biến động tỷ giá ngoại tệ VND/USD cũng khiến giá gas nhập khẩu tăng lên khiến Tổng Công ty Gas Petrolimex phải thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 4 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 9).