Giá gas hôm nay 3/11: Tiếp tục tăng giảm thất thường Giá gas hôm nay 4/11: Thị trường khí đốt dự báo còn tiếp tục hạ nhiệt Giá gas hôm nay 5/11: Phục hồi trở lại, tăng tới hơn 8% |
Khác với tuần trước đó, phiên giao dịch giá gas trong tuần từ 31/10 - 5/11, đã có sự đảo chiều theo chiều hướng tăng lên. Trong đó, giá gas ngày 31/10 (thứ hai) tăng 3,95% so với phiên giao dịch trước lên mức 6,03 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2022 vào lúc 10h05 (giờ Việt Nam). Thời điểm cuối tuần (5/11), giá gas ở mức 6,45 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2022 vào lúc 10h05 (giờ Việt Nam).
Trạm tiếp nhận khí đốt thuộc đường ống Nord Stream ở Mecklenburg, Đức |
Tuy nhiên, dù nguồn cung từ Nga giảm, giá tháng giao ngay ở Hà Lan - tức mức định chuẩn châu Âu - đã giảm 67% kể từ khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục hồi tháng 8/2022. Hiện tại, giá khí đốt vào khoảng 100 euro/MW, mức giá thấp nhất từ giữa tháng 6 đến nay. Song mức giá này vẫn cao hơn 12,6% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Lý do chính khiến giá mặt hàng này được "xoa dịu" hơn so với thời điểm vượt lên ngưỡng trên 9 USD/mmBTU vào tháng 8 và tháng 9/2022, vì nhu cầu sưởi thường tăng vào đầu tháng 10, nhưng năm nay thời tiết châu Âu ôn hòa hơn bình thường, giúp nhu cầu tiêu thụ giảm.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đạt được mục tiêu nạp đầy các kho trữ khí đốt lên đến 80% trước thời hạn ngày 1/11. Theo dữ liệu của Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu, hiện tại, các kho khí đốt đang ở mức đầy 93%, so với 77% của năm 2021.
Đáng chú ý, các kho lưu trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy 99,3%, có thể đủ cho Đức dùng trong 9 - 10 tuần, nếu mùa đông lạnh vừa phải như trong năm 2021/2022. "Đức có thể vượt qua mùa đông năm nay khi người dân và các ngành kinh tế chung tay hành động, cùng giảm ít nhất 20% nhu cầu khí đốt" - ông Klaus Mueller - Giám đốc Bundesnetzagentur - cơ quan quản lý năng lượng của Đức cho biết.
Mặc dù lạc quan về giá khí đốt giảm trong thời gian tới, giúp giảm phần nào nỗi lo cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, các lãnh đạo châu Âu vẫn chịu nhiều sức ép để đảm bảo nguồn cung trong trung hạn.
"Chỉ vài ngày lạnh cóng là đủ để khiến nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng vọt" - ông Klaus Mueller nói, đồng thời cho rằng, từ dữ liệu trong quá khứ, chúng tôi biết khi thời tiết thực sự lạnh cóng, các kho sẽ bị rút cạn nhanh chóng.
Thậm chí, ngay cả khi châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay nhưng năm tới tình hình có thể sẽ khó khăn hơn và sức nóng của thị trường khí đốt cũng sẽ không dừng lại. Không giống như 6 tháng đầu năm 2022 khi nguồn cung của Nga vẫn còn được duy trì, châu Âu có thể đối mặt với “cuộc chiến” để đảm bảo nguồn cung dự trữ khí đốt phục vụ cho mùa đông.
CNN dẫn dự báo của giới chuyên gia cho biết giá khí đốt có thể tăng mạnh trở lại vào tháng 12 và tháng 1/2023 khi thời tiết lạnh hơn. Nếu thời tiết chỉ lạnh hơn bình thường một chút thì dự trữ khí đốt của Đức sẽ gần như cạn kiệt vào cuối mùa đông và họ phải tập trung cắt giảm nguồn cung.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết do tỉ giá biến động, đồng USD tăng giá nên giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm theo tỉ giá.