Giá gas hôm nay 1/5: Thế giới giảm, trong nước quay đầu tăng nhẹ Giá gas hôm nay 4/5: Giá khí đốt tự nhiên kéo dài đà sụt giảm |
Nhập khẩu LNG tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu được dự báo sẽ giảm trong thời gian còn lại của năm, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên. Sự thay đổi này là do nhu cầu lưu trữ thấp hơn và nhu cầu khí đốt giảm.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Theo hãng tin Kommersant của Nga, EU trước đây là thị trường lớn nhất của Gazprom. Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung khí đốt Nga chỉ đi qua đường ống TurkStream (dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và ở mức tối thiểu qua lãnh thổ Ukraine. Sản lượng khí đốt ở Nga trong quý I/2023 đã giảm xuống còn 61 tỷ m3, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khai thác của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tiếp tục giảm trong bối cảnh xuất khẩu sang EU giảm, và trong quý đầu tiên, tập đoàn này đã giảm gần 18% sản lượng khí đốt. Việc giảm khai thác khí đốt là do việc xuất khẩu khí đốt cho các nước EU giảm.
Trong khi đó, Na Uy đã vượt Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức vào năm ngoái. Na Uy đã cung cấp cho Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - 33% tổng lượng khí đốt mà nước này nhập khẩu vào năm 2022, trong khi thị phần của khí đốt Nga ở Đức đã giảm xuống 22% - Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Bundesnetzagentur cho biết vào đầu tháng 1.
Trước tình hình trên, Gazprom đang đồng thời tăng nguồn cung cho Trung Quốc từ các mỏ ở Đông Siberia, song khối lượng này không thể sánh được với các nguồn cung trước đó cho châu Âu.
Mặc dù vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng lên ở châu Á và Trung Đông sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở các khu vực khác trong năm nay, giúp cân đối thị trường toàn cầu.
Tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng hơn 6%, làm cơ sở cho mức tăng gần 3% ở châu Á nói chung, cơ quan này cho biết trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý. Nhu cầu tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sắp giảm 5% do sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo.
Tiêu thụ tại châu Á và sự phục hồi của Trung Quốc sau thời kỳ Covid-19 sẽ là "chìa khóa" cho thị trường. IEA dự kiến nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ tăng tới 15% trong năm nay. Nhu cầu khí đốt của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 4%, sau khi giảm trong bối cảnh giá tăng vọt vào năm 2022.
Bên cạnh đó, tiêu thụ khí đốt ở Trung Đông dự kiến sẽ tăng 2%, phần lớn là do Iran và Ả Rập Xê-út. Ở Bắc Mỹ, tiêu thụ sẽ giảm 2% do nhiên liệu được sử dụng ít hơn trong sưởi ấm và phát điện. Nhu cầu toàn cầu được dự báo sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, IEA cho rằng, Mỹ chuẩn bị trở thành nhà xuất khẩu LNG chính của thế giới trong năm nay, song nguồn cung toàn cầu của nhiên liệu này dự kiến chỉ tăng 4%. Điều đó không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dự báo của nguồn cung từ các đường ống của Nga.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau hai tháng liên tiếp giảm mạnh. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.
Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.
Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.