So với mức giá kỷ lục vào hồi tháng 8/2022, giá khí đốt tự nhiên tại Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh trong tuần này, xuống mức chưa từng thấy kể từ trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Giá gas hôm nay 30/12 giao dịch quanh mức 4,59 USD/mmBTU |
Sự sụt giảm giá khí đốt hiện nay được cho là do một số yếu tố, bao gồm cả thời tiết mùa đông ấm áp bất thường ở phần lớn khu vực Tây Bắc châu Âu, điều này đã giúp làm giảm nhu cầu sưởi ấm.
Kể từ đêm Giáng sinh, châu Âu cũng đã gửi nhiều khí đốt vào các cơ sở lưu trữ của mình hơn là lấy ra khỏi chúng, với mức lưu trữ tăng 0,28%. Công suất đạt mức đầy 83,2%, giảm từ mức cao nhất vào giữa tháng 11 là 95,6%.
Mặc dù vậy, mức hiện tại vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn khoảng 10% so với mức trung bình của 5 năm trước. Cùng với đó, nhu cầu khí đốt giảm cũng hỗ trợ tồn kho, với việc khu vực này cắt giảm yêu cầu khoảng 1/4 so với mức trung bình 5 năm vào tháng 11, sau khi có mức giảm tương tự vào tháng 10.
Tuần trước, các nước EU đã đồng ý thiết lập mức trần khẩn cấp đối với giá bán buôn khí đốt ở mức 180 Euro (191 USD) mỗi megawatt giờ, điều này sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt tương lai giao dịch ở mức cao hơn trong ba ngày liên tiếp. Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/2/2023 nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá khí đốt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, châu Âu sẽ gặp khó khăn khi cố gắng bổ sung khí đốt dự trữ vào năm tới, khi lượng khí đốt cung cấp từ các đường ống của Nga sẽ thấp hơn đáng kể và thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà khu vực này phụ thuộc vào trong năm nay vẫn còn thắt chặt.
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho rằng, nhu cầu về khí đốt của thế giới giảm 65 tỷ m3 trong năm 2022, trong đó 55 tỷ m3 trong số này là tại 27 quốc gia thuộc EU.
Năm 2022 là một năm khó khăn trong bối cảnh thị trường năng lượng trải qua những biến động lớn. Những gì diễn ra từ đầu năm nay được mô tả là những biến động cực độ. Trong năm 2022 tập đoàn này đã xuất khẩu 100,9 tỷ m3 khí đốt, giảm 46% so với năm 2021 và xuống mức tương đương với năm 1990 (khi đó là 110 tỷ m3). Tuy nhiên, Gazprom nhận định mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng 20% trong 20 năm tới.
Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cho biết, Moskva và Ankara đã bắt đầu làm việc để tạo ra một trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ý tưởng thành lập một trung tâm cung cấp khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất vào tháng 10. Ông Putin cho biết điều này sẽ cho phép Nga chuyển hướng dòng chảy khí đốt từ các đường ống dẫn khí Nord Stream bị hư hại đến khu vực biển Đen.
Trung tâm khí đốt sẽ không chỉ phục vụ như địa điểm phân phối mà còn có thể được sử dụng để xác định giá khí đốt và tránh “chính trị hóa” năng lượng.
Còn tại thị trường trong nước, từ ngày 1/12 giá gas tiếp tục tăng. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ 1/12, các sản phẩm của thương hiệu gas này tăng 7.000 đồng/bình 6kg, 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Với mức tăng này, giá bán lẻ của gas City Petro đến tay người tiêu dùng không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/12, giá gas của công ty này tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là hơn 442.000 đồng/bình 12 kg, còn bình 45kg là hơn 1.660.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex bán lẻ tại thị trường Hà Nội từ 1/12 tăng 13.200 đồng/bình 12kg và tăng 52.800 đồng/bình 48kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vì vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tương ứng là 440.900 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South), từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.167 đồng/kg gas so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 12 là 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước đó. Trước tình hình giá gas thế giới tăng đã kéo theo giá gas bán lẻ trong nước tăng và trong giai đoạn cận Tết 2023 nhu cầu tiêu dùng tăng cao.