Năm ngoái, giới phân tích gần như chắc chắn nền kinh tế châu Âu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng - một hệ quả của xung đột Nga-Ukraine.
Các đường ống dẫn khí đốt |
Nhưng giờ đây, với nhiệt độ ôn hòa, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng tăng lên và lượng dự trữ khí đốt trên mức trung bình đã giúp các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này.
Ngân hàng Đức - Deutsche Bank cho biết, lượng dự trữ khí đốt tăng và giá khí đốt giảm. Tỉ lệ lạm phát đã hạ nhiệt và sự bất định về các chính sách kinh tế cũng vậy. Chúng ta đã có thể nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn.
Ông Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế IFO (Đức) cho rằng, rủi ro đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế Đức là sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, nhưng điều đó hiện không còn xảy ra nữa.
Theo các chuyên gia, có khá nhiều tín hiệu tốt tại Châu Âu gồm: Chỉ số giá khí đốt giao ngay tiêu chuẩn của Châu Âu (Dutch TTF NatGas) giảm tới 5% xuống còn 55 Euro/MWh, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Mức giá này đã giảm hơn 83% kể từ tháng 8/2022 - thời điểm giá khí đốt ở châu Âu đạt kỷ lục 342 Euro/megawatt giờ. Điều này cũng có nghĩa, mức giá thấp hơn cả trước khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Dự trữ khí đốt của châu Âu vẫn đầy khoảng 84%, cao hơn nhiều so với mức 52% cùng thời điểm này năm ngoái. “Nỗi hoảng sợ đã không còn nữa” - ông Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc Eurasia Group - đề cập đến “cơn ác mộng” hồi năm ngoái rằng châu Âu có thể buộc phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.
Ngoài ra, các điều kiện thuận lợi và việc mở rộng năng lượng tái tạo cũng đang mang đến nhiều lợi ích cho Châu Âu. Theo S&P Global, năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ cắt giảm 39% sản lượng điện khai thác bằng khí đốt tại 10 thị trường năng lượng lớn nhất Châu Âu trong năm 2023.
Để thay thế cho khí đốt Nga, châu Âu đã đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Na Uy và mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ. Tuy nhiên, việc dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo của châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn khi lượng khí đốt do Nga cung cấp còn rất ít ỏi.
Cùng với đó, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau khi nới lỏng các hạn chế do Covid-19, nhiều lô hàng có thể không còn được cung cấp cho châu Âu. Thỏa thuận 15 năm mà Đức đã ký với Qatar chỉ tương đương với khoảng 6% khối lượng mà họ nhập khẩu của Nga vào năm 2021.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/1/2023, giá gas bán lẻ trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 14.000-23.000 đồng, loại 45 kg giảm hơn 50.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.917 đồng đồng cho mỗi kg gas (tương đương 23.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2023 tại thị trường Hà Nội là 418.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.673.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 22.400 đồng/bình 12 kg và 89.800 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/1/2023, giá gas của hãng này giảm 23.000 đồng bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 415.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng có mức giảm tương tự. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/1/2023 giá gas giảm 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 12. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 428.912 đồng/bình 12 kg và 1.608.420 đồng/ bình 45 kg.
Giá gas trong nước giảm mạnh là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 và biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.