Báo Công Thương cập nhật mới nhất về tình hình giá gas hôm nay tại thị trường thế giới và trong nước cùng những diễn biến của thị trường này.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Mỹ cao kỷ lục
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine, nhiều quốc gia phương Tây đã chung tay trừng phạt Moscow bằng cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga.
Hệ thống đường ống khí đốt tại một trạm điều áp ở Mallnow, Đức |
Điển hình như Đức, quốc gia từng chiếm tới 55% sản lượng dầu xuất khẩu của Nga trước cuộc chiến, giờ đã “cai” hoàn toàn khí đốt của Moscow. Trong khi đó, các quốc gia khác như Ba Lan, Cộng hòa Séc và Bulgaria cũng đã tạm ngừng hoặc sắp tạm dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, Áo đã một mình đi ngược dòng khi vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tính đến tháng 5/2023, 50% lượng khí đốt ở Áo vẫn được nhập khẩu từ Nga. Trước đó, vào tháng 3, Áo thậm chí còn nhập khẩu đến 74% khí đốt từ Moscow. Kể từ khi Nga - Ukraine căng thẳng, Công ty năng lượng OMV của Áo đã chi khoảng 7,7 tỷ USD để mua khí đốt của Nga.
Chính phủ Anh cũng vừa thông báo nước này sẽ cấp phép hàng trăm dự án khai thác dầu và khí đốt ở Biển Bắc, một phần trong nỗ lực trở thành quốc gia tự chủ hơn về nguồn cung năng lượng, song vẫn hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, việc đầu tư vào Biển Bắc sẽ tiếp tục mở ra các dự án mới, bảo vệ việc làm, giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường tự chủ của Anh về năng lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia đến Trung Quốc một lần nữa vượt khối lượng được quy định theo hợp đồng hàng ngày và lập kỷ lục mới.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia sẽ lên tới 22 tỷ m3 vào năm 2023. Nguồn cung cấp này nằm trong thoả thuận mua bán khí đốt dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Việc vận chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống đến các cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, trung bình 12,8 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d), theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insights.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, khí nạp LNG trung bình cao hơn 8% so với mức trung bình hàng năm năm 2022 và cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm nay, xuất khẩu LNG của Mỹ được đặt ở mức trung bình 12 Bcf/ngày, theo ước tính của EIA. Năm tới, xuất khẩu trung bình dự kiến sẽ tăng lên 13,3 Bcf/ngày do hai dự án hóa lỏng LNG mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động là Golden Pass và Plaquemines.
Giá gas trong nước có 5 lần giảm, 3 lần tăng
Tại thị trường trong nước, từ 1/8/2023, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng ở mức phổ biến từ 26.000-26.500 đồng.
Giá gas trong nước tháng 8/2023 tăng trở lại (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thông tin từ các công ty kinh doanh gas phía Nam, từ 1/8, giá gas bán lẻ tăng khoảng 2.167 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tăng 13.000 đồng/bình 6 kg; tăng 26.000 đồng/bình 12 kg; tăng 97.500 đồng/bình 45 kg; tăng 108.000 đồng/bình 50 kg.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/8, giá gas của công ty này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 108.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 411.000 đồng/bình 12kg và 1.711.000 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cho hay, kể từ ngày 1/8, giá gas của thương hiệu này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 97.515 đồng/bình 45kg.
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/8, giá bán gas SP tăng 2.208 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 26.500 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12 kg sẽ được bán ở mức 373.500 đồng bình 12kg.
Giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 tại thị trường Hà Nội là 380.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 26.360 đồng/bình 12kg và 105.640 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).
Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.
Nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng 8/2023 tăng giá được nhận định do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 8 ở mức 465 USD/tấn, tăng 77,5 USD/tấn so với tháng 7 nên các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Như vậy, sau khi giảm mạnh trong tháng 7 đến 67.500 đồng/bình 45 kg, giá gas tháng 8/2023 tăng trở lại. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 3 lần tăng vào tháng 2, tháng 5 và tháng 8.