Giá điện bình quân Việt Nam ở mức thấp |
Trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao, Việt Nam đứng thứ 21 - tức là giá điện của Việt Nam chỉ cao hơn 20 nước nhưng thấp hơn tới 73 nước khác. Những nước có giá điện thấp hơn mặt bằng chung đều có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn.
Thống kê của Bộ Công Thương về giá điện của 25 quốc gia năm 2018, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) – cho biết, giá điện điều chỉnh tăng ở mức 8,36% vào tháng 3/2019, mới đạt mức 0,08 USD/kWh, tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá điện Việt Nam đã được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước nhưng cơ chế có độ trễ nhất định, nghĩa là giá bán không phản ánh được chi phí đầu vào sản xuất, dẫn đến khó khăn về tài chính cho ngành điện. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho hệ thống nguồn, lưới truyền tải và chi phí khác rất cao.
Ông Franz Gerner - Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nhận định, mức giá điện bình quân năm 2018 (1.720 đồng/kWh) thấp hơn mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Giá điện sinh hoạt, kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới.
Chuyên gia này còn khuyến nghị, giá điện phải đạt mức 0,143 USD/kwh vào năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện sản xuất rẻ từ thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Do đó, việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% giúp đưa giá điện về gần hơn chi phí sản xuất, mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có. Đồng thời, đảm bảo ngành điện phát triển bền vững và cấp điện ổn định.
Cũng theo ông Franz Gerner, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhu cầu về điện tăng trong thời gian tới là tất yếu. Ngoài ra, các nguồn mới như điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây.
Theo quy hoạch ngành điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới, cả nước cần tới 60.000MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW. Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi năm, ngành điện cần phải đưa vào vận hành khoảng 3.000 – 4.000MW, nhưng thực tế tiến độ nhiều dự án điện đang bị chậm so với kế hoạch.
Trước nguy cơ thiếu điện trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết. Đây vừa là công cụ khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn điện trong tương lai, vừa ngăn chặn thu hút hoặc duy trì những ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng ở Việt Nam.
TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã nhiều lần khẳng định cần thay đổi tư duy về ngành điện, nhất là kiểm soát cả nguồn cầu thay vì chạy theo nguồn cung.
Nhằm giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong mùa nắng nóng, doanh nghiệp, người dân cần sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Nhằm giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong mùa nắng nóng, doanh nghiệp, người dân cần sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. |