Những sáng kiến tiết kiệm điện trị giá hàng tỷ đồng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Chung tay tiết kiệm điện qua Chương trình DR Doanh nghiệp Hà Nội: Tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu |
Nâng cao công tác quản trị năng lượng
Theo ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về năng lượng (Enerteam) chia sẻ: Với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất thì việc tăng giá điện sẽ là bài toán trong việc tìm giải pháp để tiết giảm chi phí sản xuất. Chắc chắn sẽ tác động đến giá thành sản xuất mặc dù chưa đến 1%. Vì thế sẽ xảy ra 2 tình huống: một là nhà sản xuất sẽ đẩy giá bán lên cao; hai là nhà sản xuất sẽ phải giảm lợi nhuận để giữ giá sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Để tăng sức cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí giảm giá thành sản xuất thì tiết kiệm điện là giải pháp được SVEAM thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua |
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tăng giá sản phẩm là giải pháp không được tính đến đối với công ty chúng tôi. Phần lớn các công ty thành viên của VEAM nằm trong chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị cho các công ty đa quốc gia, để đảm bảo giữ chân được khách hàng, giữ được các đơn hàng bên cạnh giá thành cạnh tranh thì chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng đóng vai trò then chốt.
“Do vậy, việc chủ động cải tiến năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng của máy móc thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được các công ty thành viên của VEAM triển khai và thực hiện nhiều năm qua. Giờ đây với giá điện tăng, đòi hỏi công tác tiết kiệm điện tối ưu hóa chi phí sản xuất phải thực hiện triệt để” - ông Nguyễn Khắc Hải cho hay.
Đối với Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa (Yên Bái), việc tăng giá điện 4,5% sẽ khiến mỗi năm Công ty phải chi thêm khoảng hơn 350 triệu đồng tiền điện. Để giữ chân khách hàng, ổn định thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng để đơn vị bình ổn giá thành sản phẩm khi giá điện tăng.
Theo đó, trong các giờ cao điểm, thay vì vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất công suất lớn, Công ty cho công nhân chuyển sang đóng gói sản phẩm và làm các công đoạn tốn ít điện năng; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và giảm việc sử dụng các thiết bị làm mát trong giờ nghỉ trưa bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các tổ sản xuất. Nhờ đó, đơn vị đã tiết kiệm được lượng lớn điện năng tiêu thụ.
Điều này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa thể hiện sự chia sẻ, góp phần vào đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện trong mùa nắng nóng, mùa khô và công cuộc tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Chuyển đổi sử dụng thiết bị hiệu suất cao.
Tại Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép Thái Nguyên, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 6 triệu kWh, chi phí điện cho sản xuất của công ty mỗi năm là rất lớn. Bên cạnh tham gia chương trình DR doanh nghiệp đã đổi mới dây chuyền công nghệ, lắp biến tần cho máy móc, thiết bị, thay thế đèn hiệu suất thấp bằng đèn Led tiết kiệm năng lượng…
Ông Ngô Lâm Tùng (trong cùng) giới thiệu về công tác đầu tư hệ thống thiết bị hiệu suất cao nhằm hạn chế thâm dụng điện trong sản xuất |
Ông Ngô Lâm Tùng – Trưởng phòng Quản lý thiết bị, Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Thời gian qua, công ty đã đầu tư mới dây chuyền gia công cơ khí, toàn bộ máy móc cũ được thay bằng máy CNC và lắp biến tần, tỷ lệ tiết kiệm điện lên đến 50%, sử dụng đèn Led tiết kiệm năng lượng, dây chuyền cán thép hiện đại… đã giúp công ty tiết kiệm trung bình từ 15-20% lượng điện năng trong sản xuất”.
Theo đó, công ty đã thay bóng đèn công suất 300W sang đèn Led tiết kiệm điện có công suất 75W; đầu tư dây chuyền công nghệ cán thép không phải nung phôi có mức tiêu hao năng lượng thấp chỉ từ 85-95 kWh/ tấn sản phẩm trong khi công nghệ cũ là 120 kWh/tấn sản phẩm, đồng thời công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí không phải đầu tư thêm lò nung phôi và chi phí điện cho vận hành lò nung…
“Do vậy, với việc tăng giá điện lần này là điều chúng tôi đã đoán định trước, dự báo trong tương lai giá năng lượng tiếp tục tăng lên, do vậy thay vì ứng phó trong ngắn hạn, công ty đã có những chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể để từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết giảm chi phí”- ông Tùng chia sẻ.
Còn tại Công ty TNHH nhựa châu Âu xanh, ông Lương Đình Cường, Trưởng phòng kỹ thuật của đơn vị, cho biết: Để tiết kiệm điện năng, nhiều máy móc của Công ty như máy nén khí, máy làm lạnh... được sử dụng hệ thống biến tần.
Một số đơn vị khác như: Công ty CP cơ khí Gang thép, Công ty CP Nam Việt... đã tiết giảm điện năng tiêu thụ nhờ việc bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm; thay thế sử dụng 100% bóng đèn LED; thường xuyên kiểm tra các máy, dây chuyền sản xuất để bảo đảm hoạt động trơn tru, không bị rò rỉ nhằm giảm thiểu thất thoát điện, đảm bảo công suất…
Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giá diện điều chỉnh tăng 4,5% tác động không đáng kể đến chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng xác định rõ tiết kiệm điện là giải pháp tối ưu trong giải quyết bài toán chi phí sản xuất, nên hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.