Quy định rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh
Sáng 14/12, tiếp tục Phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định của dự thảo Luật không mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) |
Theo đó, đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá; đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, như là về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Thứ nhất, quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).
Thứ hai, quy định các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương và chi thu hút, đãi ngộ nhân lực y tế; chi phí hàng hóa bao gồm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu và các hàng hóa khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý, chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Thứ ba, Quy định căn cứ định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá; quan hệ cung cầu của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và mặt bằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm quyết định giá.
Thứ tư, quy định về nguyên tắc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh; hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh; kịp thời xem xét điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Thứ năm, quy định thẩm quyền của Bộ Y tế trong việc quy định phương pháp định giá, giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; quy định thẩm quyền quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa thuộc thẩm quyền quản lý đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ sáu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc, căn cứ của Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc, căn cứ quy định tại Luật này, phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kê khai giá, niêm yết giá
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện công lập và tư nhân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước, do vậy, việc quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phụ thuộc vào mức đầu tư của cơ sở đó.
Để quản lý giá, dự thảo Luật cũng đã quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kê khai giá, niêm yết giá và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá như thể hiện tại khoản 9. Quy định này vừa đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ y tế, vừa bảo đảm quyền lợi của nhân dân và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 như sau: Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công - tư do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cho Bộ Y tế trong việc quy định phương pháp định giá, quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (trong đó có giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; giao thẩm quyền quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa thuộc thẩm quyền quản lý đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như thể hiện tại khoản 5 và khoản 6 Điều 110.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc, căn cứ quy định tại Luật này, phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư quy định tại khoản 7 Điều 110 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chi phí tiền lương của y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế do Nhà nước chi trả, không tính vào giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, hoặc tính một phần vào giá dịnh vụ khám bệnh chữa bệnh, một phần do Nhà nước chi trả.
"Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, để đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh thì việc quy định đầy đủ các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả chi phí tiền lương, tiền công là cần thiết" - bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương và chi thu hút, đãi ngộ nhân lực y tế như thể hiện tại điểm a khoản 2 Điều 110 của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 107 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi hỗ trợ bảo đảm chi thường xuyên cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp không cân đối được chi thường xuyên.