Giải mã giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc Giá dầu thế giới khó đạt 100 USD/thùng vào năm 2024 Vì sao giá dầu thế giới bất ngờ tăng vọt? |
Những sự kiện nổi bật trên thị trường dầu tuần qua
Giá dầu diesel ở châu Âu có xu hướng tăng. Theo đó, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt do sự gián đoạn vận chuyển trên Biển Đỏ, đe dọa khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu Âu vốn đã tránh được suy thoái trong những tháng gần đây. Với việc nhiều tàu chở dầu hiện đang tránh đi qua tuyến Biển Đỏ, nguồn cung dầu diesel từ châu Á đến châu Âu đã trở nên đắt đỏ hơn do giá cước vận chuyển và bảo hiểm tăng vọt.
OPEC+ giữ nguyên chính sách. Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã thống nhất giữ nguyên chính sách sản lượng dầu hiện nay và dự kiến sẽ họp vào tháng 3 để quyết định có nên duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày hay không.
Giá xăng dầu trên thị trường quốc tế được dự báo tiếp tục trượt dốc theo đà giảm mạnh của tuần trước |
JMMC sẽ tiếp tục đánh giá sát các điều kiện thị trường và ghi nhận sự sẵn lòng của các nước trong việc giải quyết các diễn biến thị trường và sự sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung bất cứ lúc nào.
Châu Á nhập khẩu dầu kỷ lục. Dữ liệu do LSEG Oil Research công bố cho thấy, sức mua mạnh từ Trung Quốc và Ấn Độ vào cuối năm ngoái đã đẩy nhập khẩu dầu thô của châu Á vào tháng 1/2024 lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Theo đó, lượng dầu thô đến châu Á, khu vực nhập khẩu dầu được đánh giá cao và lớn nhất thế giới đã tăng lên 28,57 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2024, tăng từ 27,03 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2023.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ước tính ở mức thấp hơn một chút so với tháng 12, nhưng cao hơn nhiều so với tháng 1/2023. Trong khi đó, Ấn Độ có thể đã nhập khẩu khối lượng dầu thô cao kỷ lục vào tháng trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và biên lợi nhuận nhiên liệu tăng ở châu Á.
Dầu thô kết thúc giảm sâu
Đầu tuần (29-30/1), giá dầu giảm khi lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu, khiến các nhà giao dịch phải đánh giá lại phần bù rủi ro nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 77,10 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 82,69 USD/thùng.
Giữa tuần (31/1-1/2) giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó bất ngờ giảm ở cuối phiên. Đầu phiên giao dịch ngày 31/1, giá dầu tăng do dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn và căng thẳng leo thang ở Trung Đông bù đắp những lo ngại xung quanh nhu cầu dầu của Trung Quốc. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 77,7 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2024 đứng ở mức 82,29 USD/thùng.
Đến ngày 1/2, giá dầu bất ngờ giảm khi chịu áp lực bởi hoạt động kinh tế thấp ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng khi các nhà sản xuất tăng sản lượng sau thời tiết lạnh giá trong tháng này. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 76,18 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2024 đứng ở mức 81,09 USD/thùng.
Tuần qua, giá dầu thế giới giảm tới gần 7%, chấm dứt chuỗi tăng của 2 tuần trước đó |
Vào cuối tuần (2-4/2) giá dầu tiếp đà giảm và ghi nhận mức lỗ hàng tuần sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất sắp xảy ra và điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu thô. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 72,45 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2024 đứng ở mức 77,48 USD/thùng.
Như vậy, với 4 phiên giảm giá và chỉ 1 phiên tăng giá, giá dầu tuần qua đã giảm sốc gần 7%, chấm dứt chuỗi tăng 2 tuần trước đó. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 77,33 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 72,28 USD/thùng.
Giá dầu thế giới vẫn chưa hết biến động
Giới phân tích cho rằng, thị trường có thể tăng giá trở lại khi các quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới tăng mua vào. Theo Công ty thông tin tài chính LSEG (Anh), Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô kể từ tháng 10 năm ngoái, khi giá dầu bắt đầu trượt dốc. Xét đến độ trễ khoảng 2 tháng từ thời điểm mua dầu thô cho đến khi dầu thô được vận chuyển đến Trung Quốc, có thể nhận định các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tiếp tục mua thêm dầu khi giá giảm.
Mới đây, Trung Quốc cũng phân bố một loạt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô khổng lồ cho các nhà máy lọc dầu. Trong khi đó, Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới và lớn thứ 2 châu Á, đã nhập khẩu mức cao kỷ lục 5,33 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 1, tăng từ 4,65 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 1 đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, dự trữ dầu thô của Mỹ thực tế tăng (1,2 triệu thùng) thay vì giảm đã đẩy giá dầu lao dốc thêm. Điều này cho thấy, kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu từ thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất nhì thế giới đến nay vẫn chưa chắc chắn.
Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay là 3,1%, tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 10/2023 và dự kiến mức tăng trưởng không đổi là 3,2% vào năm 2025.
Tác động đến giá dầu giảm trong tuần này còn có sự cố ngừng hoạt động tại một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn BP có công suất 435.000 thùng/ngày ở tiểu bang Indiana (Mỹ), sau khi mất điện khiến hoạt động bị gián đoạn từ ngày đầu tháng 2, đến nay dù nguồn điện đã có, nhà máy vẫn chưa ấn định ngày khởi động.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 5/2 như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.913 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 24.160 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.999 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.923 đồng/lít. Dầu mazut không quá 16.087 đồng/kg. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều ngày 1/2. Trong đó, giá dầu RON 95-III tăng nhiều nhất, 753 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng ít nhất, 379 đồng/lít. |