Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/12, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2021 đứng ở mức 45,75 USD/thùng, tăng 0,11 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 3/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2021 đã tăng 0,85 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2021 đứng ở mức 48,91 USD/thùng, tăng 0,20 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 1,05 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/12.
Đây là hệ quả sau phiên họp giữa các nước OPEC+ ngày 3/12. Theo đó, kể từ tháng 1/2021, OPEC+ đạt được thỏa thuận sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương với 7% nhu cầu dầu toàn cầu, thấp hơn mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Ngoài ra, OPEC+ đã nhất trí nhóm họp hàng tháng để quyết định chính sách của liên minh dầu mỏ này kể từ tháng 1/2021.
Giá dầu ngày 4/12 tăng cũng được cho là nhờ kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong thời gian tới khi vaccine Covid-19 bắt đầu được triển khai.
Hồi đầu năm 2020, các nước OPEC+ đã cắt giảm sâu lượng dầu khai thác do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Giá dầu hồi đầu năm cũng giảm xuống mức kỷ lục. Tuy nhiên, sau khi có những thông tin về một số loại vaccine phòng ngừa virus được cấp phép đã giúp giá dầu từ cuối tháng 11 tăng nhanh. Trước tình hình này, nhiều quốc gia cho rằng, việc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia - quốc gia đứng đầu OPEC không còn hợp lý. Nga, Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều mong muốn cung cấp thêm dầu ra thị trường trong năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng, OPEC+ cần đạt được sự cân bằng giữa việc đẩy giá dầu tăng lên để củng cố nguồn tiền thu từ dầu mỏ nhưng cũng không thể cắt giảm sâu khiến sản lượng của Mỹ - quốc gia đối thủ tăng vọt. Hiện, giá dầu của Mỹ đang có xu hướng tăng lên trên 50 USD/thùng.