Trạm bán xăng Dijon tại Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên tại Mỹ đưa tin giá dầu West Intermediate Taxas (WTI) của Mỹ trong phiên giao dịch trước khi đóng cửa ngày 22/4 giảm 0,45 USD, xuống còn 56,16 USD/thùng. Trái lại, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,65 USD, lên 62,73 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết việc liên minh các quốc gia Arab, do Saudi Arabia đứng đầu, tái phát động các cuộc không kích vào các mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, sau một ngày tuyên bố chấm dứt chiến dịch cộng với đánh giá của Nhà Trắng về tình trạng “bất ổn định tiếp tục” tại quốc gia Trung Đông này, là nguyên nhân chính đẩy giá dầu Brent tăng lên trong ngày 22/4.
Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lại giảm giá vì bất chấp sản lượng khai thác nội địa trong tuần trước giảm 18.000 thùng/ngày, tổng lượng dầu trong hệ thống kho dự trữ chiến lược trong tuần đã tăng thêm 5,3 triệu thùng, nhiều hơn 2,9 triệu thùng so với mức dự kiến của các chuyên gia, lên hơn 489 triệu thùng.
Giá dầu thô tại thị trường Mỹ trong tháng Tư này có nhiều biến động, chủ yếu theo chiều hướng tăng, do cuộc chiến tại Yemen và sản lượng khai thác tiếp tục đà giảm tại Mỹ.
Tính tới thời điểm này của tháng Tư này, giá dầu Brent đã tăng tổng cộng 14% trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 18% kể từ thời điểm cuối tháng Ba vừa qua.
Cho dù giá của loại nhiên liệu quan trọng này đối với mọi nền kinh tế đang trên đà tăng dần sau nhiều tháng lao dốc, các chuyên gia và các công ty năng lượng dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới nhiều khả năng vẫn ở giao động mức thấp thêm một thời gian nữa.
Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn British Petroleum (BP), ông Bob Dudley cho rằng giá dầu thô, hiện ở mức thấp hơn 40% so với thời điểm cách đây một năm, sẽ dao động ở mức thấp này thêm “vài năm nữa,” do vậy các tập đoàn năng lượng cần phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi với thực tế này.
Theo ông Dudley, sản lượng khai thác nội địa của Mỹ sẽ tiếp tục tăng, ngay cả trong trường hợp các công ty tiếp tục phải tạm ngừng hoạt động của các giàn khoan. Trong tuần kết thúc ngày 17/4 vừa qua, trên toàn lãnh thổ nước Mỹ lại có thêm 26 giàn khoan của Mỹ phải ngừng hoạt động.
Tổng số giàn khoan ở Mỹ đang hoạt động hiện chỉ là 734, thấp nhất kể từ ngày 3/12/2010. Bất chấp sự biến động mạnh của giá dầu trong vòng gần một năm qua, các chuyên gia nhận định dầu thô vẫn tiếp tục là nguồn nhiên liệu chủ yếu cho kinh tế toàn cầu do nhu cầu tiếp tục tăng.
Với 67 triệu thùng/ngày năm 1990, 77 triệu thùng/ngày năm 2000 và 94 triệu thùng/ngày năm NAY, dầu thô hiện vẫn chiếm tới 33% tổng nguồn cung cấp năng lượng của toàn cầu./.