Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý I đang trên đà hồi phục rất tốt so với năm ngoái. Dù chưa tăng lại mức của năm 2019 nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn ra trên toàn cầu như hiện nay thì đây là một mức tăng tương đối.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong công bố mới đây của Sở Công Thương thành phố, tổng doanh thu bán lẻ đã tăng 6,2% trong quý I/2021, cao hơn so với mức tăng trưởng âm của cùng kỳ 2020 (cùng kỳ âm 1,3%). Đáng chú ý, lưu lượng mua sắm tại các trung tâm thương mại và khu vực giải trí gần như đã phục hồi so với giai đoạn trước dịch.
Nhờ sự tích cực của bán lẻ, lĩnh vực bất động sản bán lẻ theo đó cũng có sự phục hồi trở lại. Liên quan lĩnh vực này, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam - cho biết: Giá chào thuê khu trung tâm giữ ổn định, trong khi đó giá chào thuê ngoài khu trung tâm ghi nhận tăng nhẹ 0,7% so với quý trước. Trung bình toàn thị trường, giá chào thuê đã tăng so với giai đoạn trước dịch Covid-19 và đa số các nhà đầu tư sẽ chờ thị trường phục hồi thêm trước khi có quyết định tăng giá trở lại.
“Xét tỷ lệ trống, khu vực trung tâm tăng nhẹ 0,45%, tuy nhiên do nguồn cung hạn hẹp nên các diện tích trống mới sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong 1-2 quý sau. Tại khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tiếp tục được cải thiện 0,16% so với quý trước” - bà Thiên Thanh cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, trong quý I/2021, thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận việc mở mới của các thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng thời trang - phụ kiện, ăn uống. Chẳng hạn Uniqlo vừa khai trương thêm cửa hàng từ 4 rộng 2.000m2 tại Vạn Hạnh Mall (quận 10) và Decathlon sẽ sớm mở thêm cửa hàng thứ 2 tại Mega Mall Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Như vậy, xu hướng khách thuê chủ chốt là thời trang phụ kiện sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới ở khu vực ngoài trung tâm và xu hướng này sẽ tác động lớn đến những khách thuê nhỏ lẻ trong trung tâm thương mại, nhất là những trung tâm thương mại có tổng diện tích thuê nhỏ. Ngoài ra nhóm hàng ăn uống, cà phê, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng thêm theo hướng phát triển tại các khu vực đông dân cư của thành phố.
Điển hình như Saigon Co.op, trong quý I năm nay đã mở thêm một số siêu thị mini tại TP. Hồ Chí Minh. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, từ nay đến cuối năm nay nhà bán lẻ này sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm các cửa hàng tiện lợi, siêu thị bởi mục tiêu của Saigon Co.op là trong ngắn hạn sẽ giành lại thị phần từ 43-45% so với mức 41% ở hiện tại.
Với sự tăng tốc trở lại của ngành bán lẻ, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh dự báo, từ nay đến hết năm 2025 thị trường kỳ vọng đón thêm hơn 550.000m2 diện tích bán lẻ mới. Tuy nhiên kế hoạch khai trương của hầu hết các trung tâm thương mại vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh nên nhu cầu thuê mặt bằng chưa phục hồi toàn diện. Giá thuê được dự báo sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ đối với một vài dự án tốt trong khi tỷ lệ trống sẽ tiếp tục được cải thiện từ nay đến cuối năm.
Cùng với việc mở rộng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện tại, nhiều chủ đầu tư đang có động thái tái cơ cấu sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Cụ thể Central Retail có kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ đô vào Việt Nam và trước mắt họ đã cho ra đời nhiều mô hình bán lẻ mới phù hợp với từng địa phương, đánh mạnh vào thị trường tỉnh. Tập đoàn Aeon ra thông tin phát triển trung tâm thương mại mới tại TP. Huế và tỉnh Bình Dương trước khi khai trương thêm một dự án tại khu vực phía Bắc. |