Giá cà phê Robusta tiếp tục gây sốc, giá cà phê trong nước có thể đạt 150.000 đồng/kg
Kết phiên giao dịch ngày 24/4, giá cà phê thế giới hồi phục mạnh sau ngày suy yếu trước đó, với giá cà phê Robusta tăng 3,62%, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm; qua đó, lan tỏa đà tăng đến giá cà phê Arabica.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 149 USD/tấn, lên mức 4.266 USD/tấn; giao tháng 9/2024 tăng 137 USD/tấn, lên mức 4.181 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 4,05 cent/lb, ở mức 225,9 cent/lb; giao tháng 9/2024 tăng 4,15 cent/lb, ở mức 224,25 cent/lb.
Giá cà phê 2 sàn tiếp tục tăng mạnh. Robusta tiếp tục gây sốc cho thị trường với phiên tăng cao kéo theo sàn Arabica hồi phục. Giá cà phê Robusta tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới do lo ngại về nguồn cung Robusta từ Việt Nam càng ngày càng eo hẹp cùng với những thông tin về cây trồng bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán.
Như vậy, giá cà phê Robusta đã vượt qua mức cao của thứ Năm tuần trước và trở thành mốc cao nhất trong mọi thời đại, do lo ngại về vụ mùa ở Brazil và Việt Nam. Hiện nay vẫn chưa có thông tin nào có thể khiến cho giá cà phê Robusta dừng lại.
Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định, giá cà phê nội địa tại Việt Nam đăng rất cao và căng thẳng. Thực tế rất ít giao dịch hàng thực trên thị trường trong giai đoạn này.
Theo các chuyên gia, tác động của hình thái thời tiết El Nino năm ngoái kéo dài qua đến đầu năm 2024 đang mang lại những hậu quả nặng nề cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê thường cần rất nhiều nước. Cà phê phải đang chống chọi với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại Việt nam.
Trong khi đó, một số nước trồng khác như Indonesia thời gian qua đã có lượng mưa quá nhiều, được dự báo có thể gây cản trở cho vụ thu 2024 thường bắt đầu sắp tới.
Chuyên gia nhận định, thị trường Robusta dường như đã miễn nhiễm hoàn toàn với các thông tin kỹ thuật. Robusta có lẽ phải chờ phản ứng quyết định của vụ thu mới của Indonesia và Brazil để xem sẽ tác động tới thị trường như thế nào.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính đà tăng của cà phê là do sản lượng cà phê tồn kho từ niên vụ cũ của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử. Những năm trước, năm nào Việt Nam cũng tồn kho khoảng 120.000 - 150.000 tấn. Tuy nhiên, niên vụ 2023, sản lượng tồn kho rất thấp, chỉ bằng 50% so với những năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước.
Giá cà phê trong nước tăng cao thời gian qua bởi vì trên thế giới giai đoạn này chỉ có Việt Nam thu hoạch. Indonesia thì thu hoạch khoảng tháng 4-5, còn Brazil thu hoạch vào tầm tháng 7.
Giá cà phê Robusta tăng 3,62%, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm |
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tiếp tục tăng phi mã. Tính đến sáng 24/4, giá thu mua cà phê trong nước đã tiến sát mốc 130.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 128.500 – 129.300 đồng/kg. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trước lo ngại nguồn cung toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giá cà phê trong nước hoàn toàn có khả năng hướng đến mức lịch sử mới tại 150.000 đồng/kg.
Tại Tây Nguyên, giá cà phê hôm nay tăng khoảng 7.000 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất tại Đắk Nông và Đắk Lắk đạt 137.000 đồng/kg, Gia Lai 136.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 136.000 đồng/kg.
Thị trường cà phê hồi phục mạnh sau ngày suy yếu trước đó. Giá Robusta tăng 3,62%, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm. Khô nắng kéo dài tại vùng trồng cà phê chính, đẩy triển vọng nguồn cung cà phê vụ 24/25 của Việt Nam ngày càng trở nên thu hẹp. Kết hợp cùng lượng cà phê vụ hiện tại còn thấp, càng khiến nông dân quyết định giữ hàng. Điều này góp phần làm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã chững lại, phản ánh tác động từ tình trạng giữ hàng trước đó của nông dân nước ta. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 4 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, về mức 80.781 tấn.
Xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 4 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, về mức 80.781 tấn |
Ngoài ra, tại các quốc gia trồng Robusta khác, khí hậu cũng đang là mối lo lớn cho sản lượng. Cơ quan Phát triển cà phê Uganda (UCDA) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 3/2024 giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023, sau khi thu hoạch vụ mùa kém năng suất tại một trong những khu vực trồng chính cà phê Robusta của nước này.
Hơn thế, sự ảnh hưởng từ các đợt nắng nóng đỉnh điểm tại Brazil vào cuối năm 2023 đang khiến thị trường xuất hiện mối lo năng suất cà phê Robusta đang thu hoạch thấp hơn những gì đã kỳ vọng trước đó. Jonas Ferrarasso, nhà cà phê học của Brazil cho biết, sản lượng thu hoạch Robusta có thể thấp hơn một chút so với ước tính của hầu hết các thương nhân. Đồng thời, nhà phân tích Judith Ganes dự đoán lượng cà phê Robusta của Brazil có thể giảm 5-10%.