Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ |
Giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên dao động từ mức 48.400 – 49.200 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng giá thu mua cà phê từ 48.400 – 48.500 đồng/kg; tỉnh Đắk Nông và Gia Lai cà phê được thu mua với giá 48.800 – 48.900 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Kon Tum là 48.800 đồng/kg. Cá biệt, tại tỉnh Đắk Lắk giá cà phê dao động ở mức 49.000 – 49.200 đồng/kg.
Dự kiến, giá cà phê trong nước vẫn sẽ còn giữ vững ở mức cao trong một thời gian nữa |
Giá cà phê trong nước đã duy trì đà tăng liên tục từ đầu tháng 8/2022 đến nay. Mức giá cà phê vượt mốc 49.000 đồng hiện đang là mức giá cao nhất trong 7 tháng qua đối với dòng cà phê Robusta và là mức giá đỉnh của cà phê chè Arabica trong hơn 1,5 tháng qua.
Đối với thị trường cà phê thế giới cũng ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch gần nhất. Cụ thể, cà phê vối Robusta trên sàn London đứng ở mức giá 2.252 USD/tấn kỳ hạn giao tháng 9/2022, tăng 36 USD/tấn so với giá mở cửa (2.217 USD/tấn); kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng mạnh hơn một chút, ở múc giá 2.261 USD/tấn, tăng 38 USD so với giá mở cửa.
Trên sàn giao dịch New York, cà phê Arabica neo ở mức giá 226,6 cent/lb đối với kỳ hạn giao hàng tháng 9/2022, tăng 2,65 cent/lb; kỳ hạn giao tháng tháng 12/2022 đạt mức 222,4 cent/lb, tăng 2,85 cent/lb.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,02 triệu tấn; trong tháng 7/2022 đạt 125 nghìn tấn.
Thông tin từ Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với niên vụ 2020/2021 (đạt 1,62 triệu tấn)
Như vậy, trong những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ còn khoảng hơn 350 nghìn tấn. Theo nhận định của một số chuyên gia, với mức cà phê tồn như hiện tại cùng với biến động giá của thế giới, giá cà phê trong nước sẽ còn giữ vững ở mức cao một thời gian nữa.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italia.
Việc khống chế tốt dịch Covid – 19, mở cửa hoạt động bình thường trở lại của nhiều quốc gia cũng là một tín hiệu tốt để thúc đẩy tiêu thụ cà phê tăng trở lại. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan cũng đang gia tăng là lợi thế giúp cho cà phê Robusta của Việt Nam có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn.