Thị trường tiền điện tử sau khi trải qua đợt bão tố gây ra bởi những thông tin xấu như sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và trước đó là Silvergate đã kịp thời trấn tĩnh để rồi lấy lại được gần như tất cả những gì đã mất trong phiên giao dịch hôm nay. Diễn biến này được cho là xuất phát từ kỳ vọng sẽ có những biện pháp từ phía các nhà quản lý nhằm trấn an người dân, tránh tâm lý hoang mang.
Theo dữ liệu từ Coinmarketcap cho thấy, vào lúc 15h ngày 13/3 (giờ Việt Nam), đồng Bitcoin đã tăng 10,01% trong vòng 24 giờ, đưa giá trị của đồng tiền kỹ thuật số này vượt 22.500 USD, lên mức 22.560 USD.
Giá đồng Bitcoin tăng 10% chỉ trong vòng 24h |
Khối lượng giao dịch Bitcoin cũng ghi nhận mức cao kỷ lục với 34,7 triệu USD. Vốn hóa thị trường tiền điện tử đạt 1,03 tỷ USD, tăng 8,97%.
Cùng thời điểm, thị trường tiền ảo ghi nhận đợt tăng giá đồng loạt của các đồng tiền kỹ thuật số với 98/100 mã tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là Conflux (CFX) với 35% và Synthetix (SNX) với 34%.
Hiện trên thị trường chỉ có 2 đồng tiền số giảm giá là Tether (USDT) giảm 0,45% và Binance USD giảm 0,15%.
Trước đó, ngày 9/3, Silvergate Capital Corp, công ty mẹ của Ngân hàng Silvergate thông báo sẽ dừng hoạt động mảng ngân hàng và hoàn trả toàn bộ tiền gửi dành cho khách hàng. Silvergate là một ngân hàng ở California hoạt động từ năm 1988, chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch USD cho các sàn giao dịch lớn tại Mỹ từ năm 2016.
Bên cạnh các dịch vụ thông thường, Silvergate đã cung cấp cả dịch vụ Silvergate Exchange Network (SEN) cho các sàn giao dịch. Với dịch vụ này, Silvergate sẽ cung cấp thêm các dịch vụ 24/7 thiết yếu cho các công ty tiền điện tử có thể giao dịch 24 giờ mỗi ngày và không nghỉ cuối tuần như các ngân hàng thông thường.
Thảm họa tiếp tục xảy đến khi khách hàng (hầu hết là các công ty công nghệ) ồ ạt rút tiền tại Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ dẫn đến việc ngày 10/3 SVB đã phải ra tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) phá sản năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tốc độ vỡ nợ một cách "chóng vánh" của SVB đã khiến toàn bộ thị trường tài chính rơi vào cảnh khốn đốn. Cổ phiếu của SVB đã bắt đầu sụt giảm từ ngày 9/3, và sau đó tác động dần lan sang các ngân hàng khác của Mỹ và châu Âu. Theo tính toán của Reuters, hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ đã bị “xóa sổ” trong hai ngày 9-10/3.