Ghi ở dự án khai thác bauxite Tây Nguyên - BÀI I: TỪ NHÂN CƠ...
Tin hoạt động 12/07/2017 08:00
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (ngoài cùng bên phải) kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ |
I. Giám đốc Hoàng Khải Quốc Minh và các cán bộ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đón Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn bằng những cái bắt tay mộc mạc. Cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói là sự tâm huyết từ nội lực của những con người muốn làm việc, muốn cống hiến, vì tương lai của đất nước và thế hệ mai sau. Giám đốc Minh là người dân tộc Tày, "đi xứ" vào đây từ nhiều năm, nên ông thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc. Ông nói: "Khi thấy đồng bào vui bởi cuộc sống của họ ngày càng khởi sắc thì tôi và anh em trong công ty cũng vui theo, bởi lẽ, chính chúng tôi chứ không phải ai khác, sẽ ngày càng phải có trách nhiệm nhân năm, nhân mười niềm vui đó, từ chính dự án do mình đang vận hành".
Bằng giọng nói đầy tự hào, Giám đốc Minh giới thiệu, Dự án có công suất 650.000 tấn Alumin/năm do TKV làm chủ đầu tư. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đang vận hành thử có tải. Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản (TKV) đang tổ chức theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của nhà máy và thực hiện các giải pháp quản trị chi phí, tương tự như các giải pháp quản trị chi phí đã áp dụng cho Dự án Tân Rai. Rút kinh nghiệm từ những tồn tại trong quá trình vận hành Dự án Tân Rai, ngay từ giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, chủ đầu tư đã phối hợp nhà thầu tư vấn điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của công trình nhà máy tuyển quặng, nhà máy Alumin và hồ bùn đỏ nên nâng cao chất lượng vận hành, đảm bảo an toàn và môi trường; giảm chi phí đầu tư và chi phí sản xuất.
Dẫn đoàn tới thăm phân xưởng đóng bao thành phẩm, các phòng vận hành, "mục sở thị" hồ chứa bùn đỏ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn TKV Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Chúng tôi đã và đang thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, để làm sao ra được sản phẩm. Và lời hứa đó đã thành hiện thực. Tổng mức đầu tư dự án là 15.634 tỷ đồng, đến thời điểm này, chúng tôi đã triển khai tất cả các hạng mục, từ khai thác đến sàng tuyển, chế biến, đưa vào vận hành, ra được sản phẩm Alumin thử nghiệm đầu tiên. Cán bộ, công nhân viên Tập đoàn TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông và Ban quản lý dự án Alumin Nhân Cơ đã nỗ lực đưa dự án vào vận hành, mặc dù chưa đạt được như kế hoạch đề ra" (dự án triển khai từ năm 2009, theo kế hoạch năm 2010 - 2011 ra sản phẩm, nhưng đến năm 2016 mới thực hiện được - PV). Giải thích rõ hơn về vấn đề "chậm tiến độ", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với ý thức mong muốn dư luận xã hội nhìn nhận khách quan, từ thực tế của Dự án Tân Rai, Dự án Nhân Cơ đã được rà soát lại, thấy có hiệu quả, Tập đoàn TKV mới đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục triển khai. Tháng 11/2016, sản phẩm Hydrate đầu tiên xuất xưởng - đúng vào thời điểm kỷ niệm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ, truyền thống ngành Than. Đến ngày 16/12/2016 ra sản phẩm Alumin.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm, nếu như ở Tân Rai, sau khi hoàn tất các công đoạn phải mất 1 năm thử nghiệm mới đưa ra thị trường sản phẩm đúng tiêu chuẩn thì với Nhân Cơ, sau khi đưa vào vận hành, chạy thử 3 tháng đã có sản phẩm. Tuy chưa chính thức là sản phẩm thương mại, nhưng đã được tiêu thụ trên thị trường và được các khách hàng chấp nhận như một sản phẩm Alumin. Đây là nỗ lực đáng tự hào của những người gắn bó với dự án từ những ngày đầu khởi công.
Những bao sản phẩm vừa xuất xưởng |
Sản lượng chạy thử lũy kế đến cuối tháng 6/2017 đạt 234.400 tấn Alumin quy đổi, phấn đấu năm 2017 đạt sản lượng 450.000 tấn/năm. Với mức giá thuận lợi (từ 310 - 330 USD/tấn Alumin), đến nay, toàn bộ sản phẩm Alumin Nhân Cơ đã được tiêu thụ. Tính đến ngày 3/7/2017, nhà máy đã xuất khẩu được 32.891 tấn Hydrate và 163.663 tấn Alumin. Được biết, để chuẩn bị cho việc bàn giao đi vào vận hành thương mại từ tháng 7/2017, nhà máy đã thực hiện quá trình vận hành thử nghiệm tính năng hai lần.
II. Tính tích cực mà dự án đã mang lại cho người dân trên địa bàn đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - Trần Xuân Hải đánh giá: Đến nay, dự án đã đóng góp 1.057 tỷ đồng vào ngân sách Trung ương và địa phương, bao gồm thuế nhà thầu, thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế phí khác, chưa kể các thuế, phí hoạt động do sản xuất, kinh doanh, chạy thử; hỗ trợ huyện Đắk R'lấp số tiền 100 tỷ đồng. Gần đây nhất, TKV đồng ý hỗ trợ 5 tỷ đồng cho huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng cho trường học.
Ông Trần Xuân Hải cũng đánh giá cao tiến độ vận hành nhà máy cũng như công tác đền bù giải phóng mặt bằng của dự án, không để xảy ra khiếu kiện, gây rối làm mất trật tự an ninh. Nhiều giải pháp đã được Tập đoàn TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông điều chỉnh kịp thời để bảo đảm an toàn môi trường như: Gia cố điểm xung yếu, quan trắc online các điểm nhạy cảm về môi trường và nhiều vấn đề khác. Đến thời điểm này, hệ thống online đã kết nối với trung tâm môi trường của tỉnh cũng như trung tâm môi trường của tập đoàn; đảm bảo theo tiến độ chung dự án.
Ông Lê Mai Toản - Phó chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp - nhấn mạnh, các sự cố nhỏ về môi trường từ nhà máy đều đã được giải quyết nhanh chóng, triệt để, không gây hoang mang trong bà con. Ông cũng nêu vấn đề, năm 2017, huyện sẽ cố gắng phối hợp với Công ty Nhôm Đắk Nông hoàn thành việc tái định cư; tuy nhiên, ông mong muốn Tập đoàn TKV và công ty sớm công bố quy hoạch khu vực khai thác mỏ năm 2018 để lên dự toán đền bù, tránh việc trục lợi xây nhà, khoan giếng trên khu vực này.
III. Vừa dẫn chúng tôi tới khu vực lò nung xảy ra sự cố "phát tán chất bột trắng ra môi trường", bám vào cây trồng trong rẫy của bà con nông dân cách khu vực sản xuất của nhà máy khoảng 700m vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Hoàng Khải Quốc Minh vừa thành thực giải thích: "Có làm, có rút kinh nghiệm, nhưng rất mong dư luận công tâm. Quả thực công ty chưa nhận thức và xác định hết nguy cơ như những cơn gió to, nên khi tiến hành xả đáy lò nung tại hai đường ống xả V21, V22, sản phẩm Alumin xả đáy được chứa trong bể hở đã phát tán bột ra khu vực xung quanh. Hiện tại, để khắc phục, chúng tôi đang tiến hành xây hàng rào bằng xi măng".
Trước đó, sau khi nhận được thông tin, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác vào xử lý trực tiếp. Chỉ đạo thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kiên quyết: "Không thể mỗi lần xảy ra sự cố lại phải đi thanh minh, cần lường trước được các hậu quả có thể xảy ra để có phương pháp phòng ngừa. Đặc biệt không thể để tình trạng gây tổn hại đến môi trường và xáo trộn đến an ninh trật tự".
Khu vực phát tán chất bột trắng đang được xử lý |
IV. Rời Nhân Cơ tới Tân Rai, trong tôi vẫn còn nhớ tới chỉ đạo thẳng thắn của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: "Nhân Cơ và Tân Rai là hai dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, do Bộ Chính trị trực tiếp phê duyệt. Đây là các dự án có ý nghĩa lớn đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite tại Việt Nam. Tính chung cả hai dự án, cho phép lỗ kế hoạch 5 năm, nhưng với việc quản lý các định mức kỹ thuật và giá thành sản phẩm trên thị trường như hiện tại, phấn đấu đến năm thứ 3 bảo đảm có lãi. Song hành với hiệu quả về kinh tế của dự án là kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Trung ương, địa phương; đảm bảo an ninh quốc phòng, giao thông, văn hóa".
BÀI 2: ... TỚI TÂN RAI