Tài dùng người của Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ Tài liệu lưu trữ về Chiến dịch Điện Biên Phủ: Những trang sử thiêng liêng, sống mãi cùng thời gian |
Trong không khí kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), phóng viên Báo Công Thương đã được gặp gỡ những người lính cách đây 70 năm đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ký ức không thể nào quên
Ông Nguyễn Bá Viết (89 tuổi), trú tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nguyên là chuyến sĩ Điện Biên còn nhớ như in từ những ngày vừa nhập ngũ, băng rừng lội suối, vượt mưa bom bão đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. "Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay là phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. Từ Thanh Hóa, chúng tôi hành quân qua đường rừng núi sang Hòa Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ" - ông Viết vẫn nhớ như in.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Bá Viết còn nhớ như in từ những ngày vừa nhập ngũ, băng rừng lội suối, vượt mưa bom bão đạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. (Ảnh: Minh Anh) |
Lên đến Điện Biên Phủ, ông Viết được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388; sau đó lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89. Khi chuẩn bị bắt đầu Chiến dịch Điện Biện Phủ, ngày 13/3/1954, sau khi nhận lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89) về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam, ông Viết đã lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc tiểu đoàn của mình, tức tốc hành quân tấn công cụm cứ điểm Him Lam. Sau một đêm giành giật 3 lần, đến gần sáng thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam. Cũng sáng hôm đó, khi nghe tin chiến thắng cũng là khi ông Viết nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89 đã anh dũng hy sinh.
“Sự hy sinh của đồng chí Thọ đã làm cho tôi cảm thấy đau lòng, vì một người anh em, một người đồng chí thân cận cùng mình, chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay đã anh dũng hy sinh. Mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình”, giọng nói của ông Viết bỗng trùng xuống khi nhắc về Tiểu đoàn phó của mình. Sau sự hy sinh của đồng chí Thọ cùng nhiều đồng chí khác trong Tiểu đoàn 89, toàn bộ Tiểu đoàn không hề suy giảm ý chí chiến đấu mà càng hăng hái hơn, quyết tâm hơn để giành thắng lợi trong cuộc chiến với quân thù, quyết giải phóng Điện Biên Phủ sớm nhất có thể.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Tiểu đoàn 89 tiếp tục hành quân về Bắc Giang, mở ra trận chiến cầu Lồ. Tuy nhiên, khi đang chiến đấu, toàn tiểu đoàn nhận được lệnh dừng chiến do ta và Pháp đàm phán hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau đó, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 hành quân vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người lính già năm nay đã gần 90 tuổi chia sẻ: “Với anh Thọ, tôi không chỉ xem anh là chỉ huy, đồng đội mà với tôi, anh như một người anh em ruột thịt. Vì đất nước, vì sự tự do của dân tộc anh đã dũng cảm hy sinh khi chưa kịp lấy vợ, sinh con. Khi biết nhà tôi và anh Thọ gần nhau, mỗi lần đến ngày giỗ của anh, tôi đều nhờ con đưa xuống nhà cháu ruột, nơi thờ phụng anh để thắp cho anh nén nhang. Khi đó, những hồi ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi tôi cùng anh, cùng đồng đội kề vai sát cánh lại như đang mới diễn ra ngày hôm qua”.
Ông Nguyễn Sỹ Huy còn nhớ như in bầu trời Mường Thanh thời điểm đó, không lúc nào ngớt tiếng bom tiếng súng, đêm đêm pháo nổ sáng như ban ngày. (Ảnh Minh Anh) |
Cũng giống như nhiều thanh niên thời gian ấy, ông Nguyễn Sỹ Huy (sinh năm 1931), trú tại phố Thành Tráng, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hoá đã trốn bố mẹ để lên đường nhập ngũ. Tháng 10/1952, ông Huy vào đơn vị 293 đội 34 lên Tây Bắc làm nhiệm vụ phá bom, mở đường cùng với bộ đội và dân công hoả tuyến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi nhận nhiệm vụ phá bom thì không may hẹn giờ bom nổ sai, khiến 3 anh em trong tổ đều bị thương nhưng may mắn cả 3 đã sống sót. Trong dòng hồi tưởng, ông Huy vẫn nhớ như in bầu trời Mường Thanh thời điểm đó, không lúc nào ngớt tiếng bom tiếng súng, đêm đêm pháo nổ sáng như ban ngày.
Khi nhắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại, người lính già Bùi Văn Đức (90 tuổi), trú phố Phù Lưu, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hoá lại như trở về những năm tháng tuổi trẻ sát cánh cùng đồng đội chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ông Đức kể: “Tôi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 19 tuổi. Hành quân từ Thanh Hoá đi Mộc Châu sau đó quay về Phú Thọ luyện tập để tăng cường cho Chiến dịch Điện Biên”.
Ông Bùi Văn Đức nay đã ở tuổi 90 với 60 năm tuổi Đảng (Ảnh: Minh Anh) |
Vào chiến dịch, ông được bổ sung vào sư đoàn 12, tiểu đoàn 428, đại đội 39 làm nhiệm vụ phòng ngự ở ngã tư sân bay Mường Thanh, Điện Biên. Thực hiện nhiệm vụ, ông và đồng đội phải đào các hầm, hào, đánh lấn bằng bùi nhùi rơm. “Chiều tối 7/5, sau khi nghe tin toàn bộ quân địch tại khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Chúng tôi không kìm được sự sung sướng, ôm nhau nhảy múa, hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”- ông Đức nhớ lại những phút giây lịch sử trong ngày chiến thắng. Hiện nay, dù đã ở tuổi 90 với 60 năm tuổi Đảng, nhưng ông vẫn là người có uy tín tại địa phương với nhiều huân huy chương như: Huy chương hạng Nhất chống Pháp; Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên.
Dồn sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 7/5/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Thanh Hóa vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận, các chiến trường, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.
Tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du cho tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Trong đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đánh dấu sự đóng góp lớn nhất của hậu phương Thanh Hóa. Trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động với gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi.
Xe đạp của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa, vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh Quốc Huy chụp tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa) |
Ngoài ra, Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên 9.000 nghìn tấn gạo, chiếm 56%; 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là động lực để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.