Tính chung, GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, giải thích về mức tăng trên, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương đóng vai trò là trọng điểm kinh tế phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đại diện Tổng cục Thống kê trả lời câu hỏi của phóng viên |
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,5%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05% vào mức tăng trưởng chung.
Tổng cục Thống kê đánh giá, 9 tháng đầu năm, khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu của một số nông sản 9 tháng đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thuỷ sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Tình hình kinh tế thế giới được đánh giá khởi sắc trong năm 2021 khi các quốc gia triển khai mạnh mẽ chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19, giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm và tử vong. Trong đó, tháng 7/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 6,0%, không thay đổi so với dự báo đưa ra từ tháng 4/2021. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 5,7% trong năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2021…
“Tuy nhiên, tăng trưởng của các nền kinh tế có sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc xin và chính sách hỗ trợ khác nhau ở các quốc gia” - đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
Tình hình trong nước, tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc. Song làn sóng Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các thành phố kinh tế trọng điểm, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, theo đó, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - cho rằng: Với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là không khả thi.
Dựa vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021, theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%, để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%; kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3,0%, để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp quý II là 6,61% nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2, khi yêu phải đạt mức tăng trưởng 7,1% trong quý IV.
Mặc dù tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42% và dự báo tăng trưởng cả năm còn rất xa so với mục tiêu đề ra, tuy nhiên đại diện Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, GDP 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2021.
Tuy vậy, để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%. |