Chính quyền Mỹ muốn nhiều xe hơi được lắp ráp bởi công nhân Mỹ |
Thứ nhất, với Trung Quốc. Cuộc đụng độ với Bắc Kinh là cuộc xung đột thương mại lớn nhất của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến hơn 730 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ giao dịch hàng năm giữa hai nước. Vẫn còn quá sớm để thống kê những tổn hại mà cả hai bên phải gánh chịu nhưng rõ ràng, cuộc xung đột thương mại này sẽ khiến bộ mặt của kinh tế toàn cầu thay đổi rất nhiều.
Thứ hai, với Nhật Bản. Tổng thống Trump nói, sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu ôtô của Nhật Bản, trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại. Nhà Trắng muốn tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản cho lĩnh vực nông nghiệp. Ông Trump cũng muốn các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản xây dựng thêm nhà máy ở Mỹ để nhiều xe hơi có thể được lắp ráp bởi công nhân Mỹ.
Thứ ba, với Mexico. Ngày 30/5, Tổng thống Trump đã tạo nên căng thẳng thương mại bằng cách đe dọa áp thuế đối với Mexico bắt đầu từ ngày 10/6, trừ khi nước này ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới vào Mỹ. Nếu thực hiện theo đúng đe dọa mà Nhà Trắng thông báo, sự gián đoạn nghiêm trọng có thể được cảm nhận ở cả hai bên biên giới. Một phần nhờ vào thuế quan đối với Trung Quốc, Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Giống như với Nhật Bản, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu ôtô sản xuất tại Mexico. Mối đe dọa của Trump đặt câu hỏi về số phận của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), mà 3 nước đã đàm phán lại vào năm ngoái với tư cách là kế thừa Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ.
Thứ tư, với châu Âu. Triển vọng trừng phạt thuế quan từ Mỹ xuất hiện trong vài tháng sau khi thuế quan thép và nhôm áp đặt ra vào năm ngoái, đã làm "náo loạn" các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Ông Trump cho rằng, việc nhập khẩu ôtô và phụ tùng ôtô nước ngoài gây tổn hại cho ngành công nghiệp ôtô Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia. Mỹ đã đe dọa mức thuế 25% đối với hàng triệu ôtô và phụ tùng ôtô nước ngoài được Mỹ nhập khẩu mỗi năm. Động thái này có thể gây thiệt hại ở các bang như Alabama và Nam Carolina, nơi có các nhà máy lắp ráp lớn của Mercedes-Benz và BMW. Nhà Trắng đã đưa ra quyết định trì hoãn áp đặt các mức thuế này, kéo dài thời gian thêm 6 tháng, để đàm phán một thỏa thuận thương mại nhằm giải quyết vấn đề.
Mỹ thực sự đang phải "vật lộn" trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu, khối này đã từ chối xem xét yêu cầu cho phép nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào châu Âu. Chính quyền Trump nói rằng, một thỏa thuận không có nông nghiệp sẽ không thông qua Quốc hội, nhưng các chính trị gia dân túy ở châu Âu đã viện dẫn một số tập quán của Mỹ để biện minh cho việc duy trì các rào cản thương mại. Năm 2017, chính quyền Trump đã từ chối ký hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo của liên minh Xanh trong Nghị viện châu Âu cho biết, họ sẽ không ký các thỏa thuận thương mại với những quốc gia chưa phê chuẩn hiệp định khí hậu.
Thứ năm, với Canada. Mùa thu năm 2018, Mỹ dường như đạt được một thỏa thuận về chênh lệch thương mại với Canada thông qua Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, giúp bán sản phẩm sữa của Mỹ ở Canada dễ dàng hơn. Nhưng thông báo của Tổng thống Trump ngày 30/5 có thể làm hỏng nỗ lực bảo đảm sự chấp thuận của quốc hội về hiệp định này. Canada bị kẹt giữa trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã ngụ ý rằng, sẽ can thiệp vào việc dẫn độ nhà lãnh đạo Huawei sang Mỹ, nếu điều đó giúp Washington giành được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Hiệp định thương mại mới của Bắc Mỹ đã ký vào năm ngoái cũng bao gồm một điều khoản, được gọi là điều khoản Trung Quốc, mà nhiều người coi là một nỗ lực để ngăn chặn bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào giữa Trung Quốc và Canada.