Ruộng lúa Vĩnh Hòa, huyện Yên Thành |
Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thì nay, việc trồng cây gì, nuôi con gì không phải là điều khó với nông dân. Mà đầu ra cho nông sản mới là chuyện đáng bàn, việc bán ở đâu, bán cho ai nếu sản xuất với số lượng lớn, đó mới là điều mà rất nhiều nông dân lo lắng trăn trở.
Ví như năm 2013, nhiều huyện ở Nghệ An, cà rốt trồng hàng chục ha, đến vụ thu hoạch không có người mua, nông dân phải bán đổ bán tháo và thậm chí là làm thức ăn cho gia súc hoặc đổ bỏ. Đến năm 2014, lại là quả xu xu 500 đồng/kg và thậm chí là 200 đồng và đỉnh điểm là không có người mua, nên hàng chục tấn xu xu của nông dân TX Hoàng Mai (Nghệ An) cũng phải bỏ đi làm phân bón. Năm 2015 lại là câu chuyện ớt cay không có đầu ra ở huyện Anh Sơn, hay là hàng trăm tấn dứa ở Quỳnh Lưu bị ứ đọng do nhà máy không thu mua.
Câu chuyện nông sản không chỉ ở Nghệ An mà tình trạng này đã từng xảy ra ở nhiều tỉnh khác trong cả nước với quả thanh long ở Ninh Thuận hay dưa hấu ở Quảng Ngãi, hành tím của Sóc Trăng năm 2015... Tình trạng được mùa mất giá có thể năm nay xảy ra với loại cây trồng này, sang năm với cây trồng khác. Nông dân và các cấp chính quyền cũng đã rất tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích cực trong sản xuất theo hướng tạo ra hàng hóa tập trung. Tuy nhiên nút thắt của vấn đề lại nằm ở chỗ là thiếu đầu ra ổn định cho nông sản. Từ thực tế đó, hiện nay cũng có một số cá nhân, địa phương tự tìm đầu ra cho nông sản trước khi gieo hạt giống xuống đất.
Mô hình trồng dưa lưới giống Nhật Bản trong nhà lưới của ông Trương Văn Hòa ở xã Hội Sơn - Anh Sơn. Ngay khi mới manh nha cho dự án này, ông Hòa đã khảo sát thị trường ở Hà Nội và tính toán kỹ cho đầu ra của quả dưa và những nông sản khác do ông sẽ gieo trồng trong thời gian tiếp theo. Theo đó khi nông sản đến kỳ thu hoạch, khách hàng đã đến tận nơi để thu mua. Tuy nhiên đây chỉ là mô hình rất điển hình về ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn trong sản xuất nông nghiệp. Và không phải người nông dân nào cũng làm được như vậy.
Một khi ngành nông nghiệp vẫn là chủ lực, khi mà cây lúa, cây ngô vẫn đang là cây trồng chính của nông dân, thì việc tìm đầu ra cho những nông sản này sẽ là điều kiện quan trọng để kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh, tăng thu nhập cho nông dân.
Cũng với cây ngô nhưng chỉ trồng trong vòng 80 ngày, thu hoạch cả cây, bông bán với giá 800.000 đồng/tấn, mỗi năm nông dân xã Tường Sơn huyện Anh Sơn có thể trồng được 3 - 4 vụ, mỗi ha ngô cho thu nhập từ 100-130 triệu đồng/năm. Điều đáng nói với cây ngô, nếu không có thị trường tiêu thụ thức ăn tươi cho gia súc thì nông dân có thể kéo dài thêm 20 ngày nữa để thu hoạch ngô lấy hạt.
Ông Phan Văn Hòa - GĐ Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa |
Câu chuyện về quả dưa lưới hay ngô trồng lấy cây cũng chỉ mới giải quyết được 1 phần rất nhỏ của vấn đề đầu ra cho nông sản. Bởi nông nghiệp đang là kinh tế chủ lực của Nghệ An, nông dân chiếm đến 70% dân số thì việc đổi mới các giống cây trồng, đổi mới tư duy trong sản xuất lại là điều cần thiết để chúng ta tạo ra hàng hóa có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ông Phan Văn Hòa - GĐ Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cho biết: “Gạo từ giống lúa NA6, người dân Nghệ An thường gọi là gạo Vĩnh Hòa nổi tiếng ở Yên Thành (Nghệ An), lâu nay vẫn tự thân vận động, các ngành vẫn chưa có phương án nào cụ thể để giúp nông dân trong khâu tiêu thụ hay bao tiêu sản phẩm, chưa có quy hoạch cụ thể vùng trồng giống lúa này. Hiện, bà con cũng chỉ mới mạnh ai nấy làm…”.
Được biết loại gạo này gần đây cũng được một số đại lý thu mua để xuất khẩu sang thị trường Úc, Hàn Quốc hay Nhật Bản…. Tuy nhiên đó cũng chỉ là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ của các tiểu thương.
Lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 ở Nghệ An lâu nay được biết đến với nhiều vi chất tốt cho sức khỏe của con người đã được một số DN Hàn Quốc quan tâm. Không chỉ gạo mà ngay cả rơm cũng sẽ được DN Hàn Quốc thu mua. Như vậy trong tương lai gần, hạt lúa, cọng rơm của nông dân Nghệ An có thể vào thị trường Nhật, Hàn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là câu chuyện của tương lai. Và nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của DN và của chính bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ trong một cuộc hội thảo gần đây: “Để nâng cao giá trị cho nông sản thì cần tạo ra hàng hóa tập trung, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Ngoài sự đổi mới về giống, công nghệ sản xuất thì cần thay đổi hình thức sản xuất. Xu hướng sản xuất nông nghiệp là dần xóa bỏ sự manh mún tiến đến sản xuất tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này thì cần sự vào cuộc tích cực của nông dân - chủ thể quan trọng của sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa…”.