Phê duyệt đầu tư dự án Đường dây 220kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - rẽ Mỹ Xuân - Cát Lái Tiến độ các dự án đường dây 220kV nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam |
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1478/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 220kV Yên Hưng – Nam Hòa.
Theo đó, nhà đầu tư dự án là Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 958 tỷ đồng với thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ xây dựng từ khi giao đất đến hoàn thành là 18 tháng.
Dự án có quy mô: xây dựng đường dây 220kV trên không từ TBA 220kV Yên Hưng đến TBA 220kV Nam Hòa, dài khoảng 28,5 km với thiết kế cột hình tháp, cột thép tròn đơn thân. Thiết bị phân phối 220kV, 110kV, 22kV được đặt ngoài trời. Các thiết bị điều khiển bảo vệ và tủ AC/DC được đặt trong nhà điều khiển trung tâm (tại trạm biến áp 220kV Yên Hưng hiện hữu).
Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 220kV Yên Hưng – Nam Hòa. (Ảnh minh hoạ) |
Công trình đường dây sẽ đi qua địa bàn phường Minh Thành, phường Cộng Hoà, xã Sông Khoai, xã Hiệp Hoà, phường Yên Giang, phường Quảng Yên, phường Nam Hoà, phường Yên Hải, phường Phong Cốc, phường Phong Hải, xã Liên Hòa, xã Liên Vị, xã Tiền Phong.
Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp điện cho thị xã Quảng Yên, tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện Quốc gia; Giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 và các quy hoạch khác của tỉnh Quảng Ninh.
Tại quyết định 1478/QĐ-UBND, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng giao cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ của dự án.
Được biết, Quảng Ninh là địa phương luôn nằm trong top đầu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn Quảng Ninh là điểm đến. Do đó nhu cầu về điện của địa phương này tăng rất cao trên dưới 10%. Năm 2023, điện thương phẩm của Quảng Ninh đạt 5,9 tỷ kWh, tăng trưởng 8,27% so với năm 2022.