Đây là thông tin do ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị ASEAN về Chuyển đổi số báo chí – Kiến tạo tri thức số, diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 21/9.
Cơ quan báo chí truyền thông trong nước giảm nguồn thu
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí với gần 1 triệu bài báo được đăng lên hàng ngày.
Dữ liệu từ cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo tạo ra kho thông tin khổng lồ. Thông qua các ứng dụng số có thể phân tích xu hướng người dùng, các hiểu biết quan trọng từ các nguồn dữ liệu này. Việc biến kho thông tin thành nền tảng dữ liệu sẽ giúp khai thác tri thức trong khu thông tin đó.
Ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, gần 50% doanh thu quảng cáo truyền thông tại Việt Nam "chảy vào túi" của các nền tảng xuyên biên giới |
Ông Phúc cho biết, ngành truyền thông có tiềm năng rất lớn trong tạo ra các giá trị kinh tế. “Doanh thu trong lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỷ USD, điều này thể hiện sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra các giá trị kinh tế. Nhưng, gần 50% các giá trị quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới; và các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập. Đó là lý do vì sao cơ quan thông tấn, truyền thông trong nước đang gặp vấn đề như hụt nguồn thu.
Cũng theo Cục trưởng Cục Báo chí, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ thì các cơ quan thông tấn, báo chí phải thay đổi để tồn tại. Sự thay đổi, thích nghi này bắt đầu từ các thể chế, từ các lãnh đạo đến các cơ quan truyền thông với sự thúc đẩy, hỗ trợ của Chính phủ trong việc hướng dẫn các luồng quảng cáo hướng tới các nền tảng kỹ thuật số trong nước.
Tại Việt Nam, tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là định hướng quan trọng cho chuyển đổi số báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có đã kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển nền tảng phát sóng, phát thanh kỹ thuật số quốc gia… Và việc quan trọng hiện tại là hướng dẫn các luồng quảng cáo xuyên biên giới sang nền tảng kỹ thuật số trong nước.
Đề xuất xây dựng Bộ chỉ số chung về chuyển đổi số
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Việt Nam, kinh nghiệm từ Việt Nam, Chính phủ cần nắm chắc về “sức khỏe” của báo chí như một công cụ tạo ra sự đồng thuận xã hội. Để làm được điều này, Việt Nam đã công bố Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Bộ chỉ số nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được tình hình thực tế, phải làm gì để thích nghi tồn tại. Thông tin từ kết quả Bộ chỉ số ở các cơ quan báo chí sẽ thông báo cho Chính phủ biết cơ quan báo chí cần được hỗ trợ gì? Bộ chỉ số cũng giúp các cơ quan báo chí xác định được đang ở giai đoạn nào của chuyển đổi số, từ đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp, phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.
Các quốc gia ASEAN trao đổi vấn đề chuyển đổi số trong báo chí, truyền thông |
Từ thực tiễn đó, đại diện từ phía Việt Nam kiến nghị, ASEAN nên xây dựng một bộ chỉ số chung về chuyển đổi số của báo chí. Đây là tiêu chí để các cơ quan truyền thông hướng tới thực hiện và được xếp hạng. Chính phủ các nước thành viên ASEAN cần xây dựng chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành trong chuyển đổi kỹ thuật số báo chí trong ASEAN để các cơ quan truyền thông có một bộ tiêu chí chung.
Bên cạnh đó, mỗi quốc gia thành viên của ASEAN nên có công cụ riêng để đo lường mức độ chuyển đổi kỹ thuật số. Công cụ này có thể dựa trên các chỉ số chung của ASEAN đề xuất trước đó.
“Chuyển đổi số báo chí kiến tạo ra tri thức số tùy thuộc mỗi điều kiện khác nhau, tính chất khác nhau của mỗi quốc gia. Chuyển đổi số có thể chuyển đổi thông tin thành kiến thức. Từ kiến thức sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế, thịnh vượng chung của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia cần phải thay đổi và thích nghi, thích ứng để biến kiến thức thành động lực để phát triển", ông Lưu Đình Phúc nói.
Chính phủ Việt Nam đã xác định 5 trụ cột chuyển đổi số báo chí (đây cũng là các chỉ số trong Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí), gồm: - Chiến lược; - Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; - Sự thống nhất về tổ chức và chuyên môn; - Người đọc, người xem, người nghe; - Mức độ ứng dụng công nghệ số. |