Gameshow truyền hình đang ngày càng bộc lộ sự tẻ nhạt, thiếu sáng tạo
CôngThương - Tăng lượng, giảm chất
Nếu như trước đây, khi gameshow truyền hình chỉ có 1,2 chương trình trên một tuần, khán giả còn háo hức đón xem thì hiện nay, sự phát triển ồ ạt của các chương trình truyền hình đã khiến khán giả bội thực. Khó có thể thông kê hết các chương trình gameshow đang phát sóng trên truyền hình, nhưng chương trình nào được khán giả theo dõi, đón đợi được thống kê lại quá ít so với các chương trình họ muốn... tắt tivi ngay khi bắt đầu. Có thể điểm qua các chương trình từng một thời "làm mưa, làm gió" trên sóng truyền hình như: "Ai là triệu phú", "Hãy chọn giá đúng", "Ở nhà chủ nhật", "Chiếc nón kỳ diệu", "Tam sao thất bản", "Ô cửa bí mật", "Đấu trường 100", "Trò chơi âm nhạc", "Đối mặt", "Hát với ngôi sao", "Hành khách cuối cùng"... Tuy nhiên, các chương trình này nhanh chóng bị “lấn át” bởi "Cặp đôi hoàn hảo", "Vietnam’s Got Talent", "Gương mặt thân quen", "Bước nhảy hoàn vũ", "Giọng hát Việt -The Voice", "The voice Kids", "Tôi là người chiến thắng", "Vietnam’s next top model"...
Sự quan tâm của khán giả vào những chương trình “hót” bậc nhất này trong năm đầu tiên khiến không ít những chương trình mới tiếp tục được mua bản quyền về Việt Nam. Những tưởng những chương trình mới, phiên bản đặc biệt hấp dẫn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút giải trí hữu ích, nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Còn nhớ, chương trình "Giọng hát Việt -The Voice" mùa đầu tiên, khán giả gần như "quay cuồng" với vòng "Đối đầu" và những scandal, thì đến mùa thứ hai (năm 2013) đã gần như "hụt hơi", khán giả kém mặn mà, lượng rating giảm đáng kể. Chưa kể khi kết thúc, ấn tượng về sự thiếu công bằng trong việc chọn “Giọng hát Việt” tài năng nhất vẫn còn ám ảnh khán giả. Có lẽ tính đến thời điểm này, chỉ còn duy nhất chương trình "Gương mặt thân quen" mang yếu tố hài hước, vui nhộn và có ý nghĩa nhân văn là được khán giả trông đợi.
Một trong những nguyên nhân khiến các chương trình giải trí trên truyền hình đứng trước nguy cơ mất khán giả chính là sự dễ dãi, thiếu tính độc đáo, riêng biệt, sự chỉn chu... từ các nhà sản xuất chương trình. Đó là những gameshow có nội dung na ná nhau như: "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn", "Tiếng hát truyền hình" hay "Giọng hát Việt - The Voice", "Việt Nam Idol"... Ngay như chương trình "Vietnam’s Got talent" được kỳ vọng là vậy mà khán giả cũng bắt đầu hết kiên nhẫn để theo dõi, tài năng thí sinh chưa nổi bật, ban giám khảo chưa thực sự thuyết phục cũng như "lẩu thập cẩm" tài năng từ múa, hát, xiếc... đã khiến chương trình rơi vào tình trạng "xem cũng được, không cũng chẳng sao". Hay như chương trình "Giọng hát Việt - The voice" cũng vậy, khán giả đang có cảm giác chương trình này rơi vào cảnh "chợ chiều". Rõ ràng mùa thứ hai thí sinh chưa có tài năng nổi bật, MC non tay nghề hay huấn luyện viên quá nghiêm túc, không biết bày chiêu trò để khuấy động sân khấu là những lý do khiến "Giọng hát Việt- The Voice" giảm nhiệt.
Thêm yếu tố khiến khán giả ngán ngẩm khi xem các chương trình truyền hình thực tế là quảng cáo quá nhiều. Trong khi chương trình chưa thực sự có chất lượng thì sự chen ngang quảng cáo làm gián đoạn lại càng gây cảm giác khó chịu, bực bội, thậm chí là bức xúc cho người xem. Khi mà một chương trình chỉ có khoảng 45 phút nhưng thời gian quảng cáo chiếm gần hết phân nửa, cứ khoảng 5 - 10 phút lại quảng cáo một lần từ 10-15 phút.
Báo động tính thẩm mỹ, định hướng cho giới trẻ
Không thể phủ nhận sự phát triển nhanh chóng của các gameshow, cùng xu hướng thoái trào, mất niềm tin ở một bộ phận không nhỏ khán giả đang là thách thức cho các chương trình. Rõ ràng, sự khan hiếm thí sinh dự thi cũng như khán giả xem truyền hình sụt giảm do những chiêu trò, scandal, dàn xếp trong các chương trình, cộng vào đó là sự thiếu hấp dẫn của nội dung lẫn hình thức...
Không ít khán giả cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đang báo động vì thiếu tính thẩm mỹ, định hướng cho giới trẻ. Anh Nguyễn Tiến (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, lâu nay, anh không có nhu cầu xem các chương trình truyền hình thực tế vì thiếu sức hấp dẫn. Anh Tiến chia sẻ: "Một số chương trình hiện nay đang thiếu tính thẩm mỹ một cách nghiêm trọng, thiếu sự định hướng cho giới trẻ. Đơn cử như chương trình "Vietnam next top model", một số giám khảo nam lại "mặc váy", phát ngôn một cách thiếu tế nhị, thí sinh nam lại trang điểm, làm tóc màu mè... không phù hợp. Hay như chương trình "Giọng hát Việt- The Voice" cũng vậy, tôi cho rằng huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng vướng đầy scandal như: hôn nhà sư, mặc trang phục bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường cuối tháng 10 vừa qua rất phản cảm... mà vẫn ngồi ghế huấn luyện viên thì khó chấp nhận nổi. Tôi không nói về năng lực, chuyên môn nhưng rõ ràng những scandal đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của giới trẻ. Chúng ta không nên cổ xúy rằng, đã là nghệ sĩ thì làm gì cũng được!"
Đồng quan điểm với anh Tiến, chị Thanh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc: "Tôi thực sự lo lắng khi cho cậu con trai học lớp 8 của mình xem những chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Không hiểu con tôi sẽ nạp vào đầu mình những gì khi xem các chương trình này, có ít nhiều bị ảnh hưởng về giới tính, cách ăn mặc, hành xử hàng ngày. Tôi rất mong những gameshow giải trí nhưng mang tính trí tuệ và hiểu biết như: "Rung chuông vàng"; "Đường lên đỉnh Olympia", "Thần đồng đất Việt"... lên sóng, giúp phát triển tư duy chủ động và tạo sự ham hiểu biết, tranh đua học hỏi về trí tuệ, văn hoá nên có ích cho các con tôi. Còn đối với những gameshow giải trí, mua bản quyền từ nước ngoài, tôi rất mong nhà đài cũng nên sáng tạo hơn để chương trình mang bản sắc Việt, tạo được dấu ấn riêng, liên tục làm mới chương trình, có tính thẩm mỹ, định hướng, hấp dẫn khán giả."
Tuy nhiên, chừng nào mà các chương trình truyền hình thực tế vẫn còn bị các công ty giải trí nắm quyền thì chừng đó, khán giả còn phải xem những cuộc chơi đã có cái kết trước khi phát sóng./.