Sau Fed, các Ngân hàng Trung ương nào tăng lãi suất? Fed giảm tốc độ trong lần tăng lãi suất thứ bảy của năm Fed tăng lãi suất lần thứ 8 |
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/3 (ngày 23/3 giờ Việt Nam) đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), đồng thời cho biết chiến dịch tăng lãi suất có thể vẫn sẽ tiếp tục bất chấp nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây.
Đáng chú ý, Fed đã tăng lãi 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 4,75-5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.
Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng.
Mức tăng lãi lần này nằm trong dự báo của thị trường, bất chấp các biến động gần đây với ngành ngân hàng toàn cầu. Nhiều ngân hàng liên tiếp bị đóng cửa, khiến Fed phải cân bằng giữa việc giải quyết vấn đề lạm phát, việc làm, với nguy cơ gây ra khủng hoảng tài chính.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong buổi họp báo ngày 22/3 |
Trong thông báo, quan chức Fed thừa nhận các biến động tài chính gần đây đã gây sức ép lên lạm phát và nền kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn tự tin vào ngành ngân hàng Mỹ. "Hệ thống ngân hàng Mỹ rất vững mạnh", báo cáo viết.
Nhiều nhà kinh tế học đã thúc giục Fed ngừng tăng lãi suất. Sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng hai tuần gần đây làm dấy lên lo ngại Fed sẽ không chỉ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, mà còn khiến thêm nhiều nhà băng sụp đổ.
Nguyên nhân là quá trình nâng lãi khiến giá trị trái phiếu chính phủ và nhiều chứng khoán khác đi xuống. Đây là nguồn vốn quan trọng với phần lớn ngân hàng Mỹ. Khi Silicon Valley Bank buộc phải bán gấp trái phiếu và chịu lỗ, họ rơi vào khủng hoảng thanh khoản và sụp đổ.
Tuy nhiên, quyết định hôm qua của Fed đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu. Quan chức Fed dự báo lãi suất vào khoảng 5,1% cuối năm nay, đồng nghĩa tăng thêm một lần với mức 25 điểm cơ bản nữa.
Trong buổi họp báo sau quyết định nâng lãi, ông Powell, Chủ tịch Fed cho biết, đây là hậu quả chấp nhận được. "Chúng tôi phải đưa lạm phát về 2%. Quá trình này sẽ phải trả giá. Nhưng nếu không ghìm được lạm phát, cái giá đó sẽ đắt đỏ hơn nhiều". Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo ưa thích của Fed - được dự báo tăng tốc lên 3,3% năm nay.
Khi được hỏi về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, cùng các biến động gần đây trong ngành ngân hàng, ông Powell trả lời: "Rõ ràng là chúng ta cần siết kiểm soát và quy định".
Ông cho biết Fed đang thực hiện một cuộc đánh giá nội bộ và cam kết tiếp tục theo sát tình hình, sẵn sàng "dùng mọi công cụ trong khả năng để đảm bảo sự an toàn và vững mạnh của hệ thống ngân hàng".
Các quan chức Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm, thấp hơn so với mức dự báo 4,6% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng được điều chỉnh giảm nhẹ xuống mức 0,4% so với mức 0,5% được đưa ra trong các dự báo trước đó. Lạm phát được dự báo ở mức 3,3% vào cuối năm, cao hơn so với mức 3,1% trong các dự báo gần nhất.
Mặc dù đợt tăng lãi suất này của Fed phù hợp với kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế, nhưng đây là một trong những quyết định khó khăn nhất của ngân hàng trung ương Mỹ những năm gần đây. Trước khi cuộc họp kết thúc, một số nhà quan sát và nhà đầu tư kêu gọi Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính lan rộng sau khi nhiều ngân hàng sụp đổ.