Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Thông thường Fed tăng lãi suất, chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động nhất định đến tỷ giá trong nước.
Tác động không đáng kể đến tỷ giá
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, khi đồng USD lên giá dưới tác động của việc Fed tăng lãi suất, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Khi chúng ta giữ ổn định giá trị của VND so với USD thì xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ ổn định hơn nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng hóa của những đồng tiền khác so với giá trị của USD.
“Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phải quan tâm để có các biện pháp điều tiết như hạ giá bán của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các nguồn hàng khác trên thế giới", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Mặt khác, ông Thịnh cho rằng, thời gian vừa qua, dưới sự điều hành lãi suất của Fed, đồng USD có lúc lên giá nhưng cũng đã giảm xuống. Việc tăng lãi suất lần này thêm 0,25% khiến USD tăng nhưng sẽ không đáng kể. Vì thế tuy cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không lớn.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất cả về biên độ và thời điểm đều nằm trong dự trù của Ngân hàng Nhà nước, vì thế Việt Nam sẽ không quá bị động trong việc ứng phó.
“Mặc dù có chịu ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD như những lần trước Fed tăng lãi suất. Đây là một trong những lý do dự báo mặt bằng lãi suất trong nước từ giờ đến cuối năm ổn định, thậm chí có thể đi xuống”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua |
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết: việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chứng tỏ biến động kinh tế đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ. Điều này làm cho giá của USD tăng lên, chắc chắn sẽ tác động đến tỷ giá giữa USD và VND, trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục tìm cách hạ mặt bằng lãi suất.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang xuất siêu sang thị trường Mỹ, do đó nguồn thu đồng USD về Việt Nam vẫn tích cực. Chúng ta chỉ cần tích cực kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát tỷ giá ở trong nước bằng cách cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước cần thiết để kiểm soát tác động này", ông Doanh nói.
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trực tiếp tại thị trường Mỹ hoặc các thị trường sử dụng đồng USD, cần xem xét biến động giá cả tác động lên mặt hàng của họ ra sao. Các tác động này sẽ rất khác nhau, có những mặt hàng sẽ có tác động tích cực nhưng phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của khách hàng ở Mỹ, ở châu Âu, thậm chí ở Trung Quốc.
“Do đó, các doanh nghiệp cần phải xem xét, đánh giá cụ thể từng mặt hàng để có quyết định ứng phó thích hợp", Tiến sĩ Doanh nhấn mạnh.
"Tôi không nghĩ rằng động thái tăng lãi suất lần này của Fed sẽ ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Việt Nam, bởi chúng ta đang kiểm soát tốt xuất - nhập khẩu và nền kinh tế của chúng ta đang tiếp tục hồi phục", ông Doanh nói thêm.
Phân tích kỹ hơn về tỷ giá, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Đầu tiên là dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Thứ hai, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Theo TS. Võ Trí Thành, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2023.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD.
Thực tế, tỷ giá trên trên thị trường tuần qua vẫn khá yên ả. Trong tuần, tỷ giá trung tâm chỉ tăng nhẹ 0,01%, trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng cũng chỉ tăng 10 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm giữa VND/USD sáng 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.736 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá trên trên thị trường tuần qua vẫn khá yên ả |
Lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều
Chia sẻ thực tế các ngân hàng, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, việc Fed tăng lãi suất khiến cho không ít nhà băng lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm không thuận lợi.
Ông Hưng nêu cụ thể, từ đầu năm, ngành ngân hàng đã phải hứng chịu nhiều cơn gió ngược như những biến động trên thị trường bất động sản, lực cầu tiêu dùng và tín dụng yếu. Ngoài ra, các nguồn thu ngoài lãi như các hoạt động dịch vụ, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng bị ách tắc. Áp lực lên chất lượng tài sản các nhà băng chưa thuyên giảm và chi phí vốn vẫn còn neo ở mức cao.
“Các ngân hàng vẫn phải gồng mình để cố gắng đạt kế hoạch lợi nhuận. Năm nay sẽ khó hơn cho ngành ngân hàng. Những yếu tố tạo ra kỳ vọng có sự vượt trội về mặt lợi nhuận vẫn chưa xuất hiện”, ông Nguyễn Hưng nhận định.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, các nhà băng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thu nhập từ tín dụng và dịch vụ đang chịu nhiều sức ép. Việc FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây ra một số áp lực cho ngành ngân hàng, nhưng tác động sẽ chỉ ở mức độ thấp.
“Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn hiện đã giảm nhiều so với trước. Hiện tại, với lượng kiều hối vào TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng; cán cân thương mại của Việt Nam nhiều khả năng đang dương trong tháng 7 này; lượng FDI vẫn vào tốt thì tôi nghĩ áp lực đối với Việt Nam thời điểm này khá là thấp. Nếu đây là lần tăng lãi suất cuối của FED thì áp lực sẽ không quá nhiều”, ông Phạm Lưu Hưng đánh giá.