Sau nhiều lần trì hoãn trong năm vì còn tiềm ẩn nhiều biến động trên các thị trường, đồng bạc xanh liên tục tăng giá cùng các áp lực lên nhóm hàng nguyên nhiên liệu, cuối cùng, FED đã quyết định tăng tỷ lệ lãi suất lần đầu kể từ ngày 26/6/2006. Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) đã công bố mức tăng 0,25% đúng như trông đợi của các nhà phân tích và nêu rõ, các đợt tăng tiếp theo sẽ được thực hiện từ từ theo từng bước có tính đến mức độ biến động trên các thị trường từ việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. FOMC cũng dự báo đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ ở mức khoảng 1,375%, tức trong năm tới sẽ có thêm 4 lần tăng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25%.
Lộ trình tăng lãi suất thực tế sẽ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, FOMC nhấn mạnh và đưa ra dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng từ 2-2,2% trong năm nay và 2,7% năm 2016.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Kể từ khủng hoảng tài chính 2008, FED dưới sự điều hành của Chủ tịch Ben Bernanke, lãi suất của Mỹ chỉ ở mức từ 0-0,25% để làm nhẹ gánh cho đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm việc làm. Sau 7 năm, đến lượt bà Yanet Yellen cầm cương, chiến lược lại thay đổi từ nới lỏng sang từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ phù hợp với các tín hiệu phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ, cũng như quan tâm đặc biệt đến chỉ số lạm phát mà cho đến nay vẫn tiếp tục ở dưới mức mục tiêu 2%, còn tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng 5%, được coi là khá ổn.
Tác động của việc tăng lãi suất lần đầu và dư âm của quá trình đồn đại kéo dài suốt gần năm nay đã đẩy giá đồng bạc xanh lên cao, gây áp lực lớn lên xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường đang nổi trong các lĩnh vực như lạm phát, tỷ giá chuyển đổi.
Ở Chile, đồng nội tệ đã giảm hơn 14% trong 11 tháng qua so với đồng USD và lạm phát đã lên mức 4,5%, vượt mục tiêu kiểm soát của chính phủ (2-4%). Trong lúc đó, Brazil là nước bị tác động nhiều nhất, đồng Real từ đầu năm trở lại đây đã giảm 31% so với tờ bạc xanh và lạm phát đã chạm mức 2 con số, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua, ngoài ra, cường quốc bóng đá này lại là nước xếp thứ II trên thế giới sau người khổng lồ châu Á về tỷ lệ nợ nước ngoài băng đồng USD, theo báo cáo của Ngân hàng thanh toán quốc tế.
Việc tăng lãi suất của FED có thể sẽ rất đau đớn cho nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này, còn giá các nhóm hàng nguyên nhiên liệu vốn dĩ đã bị tác động nặng nề từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đồng bạc xanh tăng giá, việc tăng lãi suất rất có thể dìm thêm giá các nhóm hàng này, các nhà phân tích bình luận.
Tác động đích thực của việc FED tăng lãi suất đối với Chile chắc phải đợi đến khi Ngân hàng Trung ương quốc gia này quyết định làm gì với tỷ lệ lãi suất. Một số nhà phân tích dự báo, sẽ có đợt tăng lãi suất liên ngân hàng lần thứ II trong năm nay để tránh sự khác biệt với tỉ lệ của Mỹ. Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Chile trước đó đã công bố sẽ tăng thêm 2 đợt lãi suất nữa trước tháng 9/2016.