Fed chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhắc lại ông kỳ vọng lãi suất sẽ bắt đầu giảm trong năm nay nhưng chưa đưa ra thời điểm cụ thể. Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 6 và 7/3 đã được chuẩn bị trước, ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách vẫn đang cân nhắc đến những rủi ro mà lạm phát gây ra và không muốn cắt giảm lãi suất quá nhanh. Nhìn chung, bài phát biểu không đưa ra điểm mới nào trong chính sách tiền tệ hoặc triển vọng kinh tế của Fed.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhắc lại ông kỳ vọng lãi suất sẽ bắt đầu giảm trong năm nay nhưng chưa đưa ra thời điểm cụ thể |
Tuy nhiên, các bình luận chỉ ra rằng các quan chức vẫn lo ngại làm mất đi những tiến bộ đã đạt được trong việc chống lạm phát và sẽ đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu tổng hợp được thay vì một lộ trình đã định sẵn. Ông Powel một lần nữa lưu ý rằng việc hạ lãi suất quá nhanh có nguy cơ làm mất đi những thành quả trong cuộc chiến chống lạm phát và có khả năng phải tăng thêm lãi suất, nhưng chờ đợi quá lâu cũng sẽ gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế.
Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6 và dự kiến sẽ có 3-4 lần giảm lãi suất trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách sẽ công bố dự báo lãi suất cập nhật tại cuộc họp trong tháng này của Fed. Ông Powell có thể phải đối mặt với nhiều câu hỏi khác nhau tại các buổi làm việc với các Ủy ban của Quốc hội, chủ yếu tập trung vào vấn đề lạm phát và lãi suất. Mặc dù Fed cố gắng đứng ngoài chính trị, nhưng năm bầu cử tổng thống cũng đặt ra những thách thức đặc biệt. Cựu Tổng thống Donald Trump là người chỉ trích gay gắt ông Powell và các đồng nghiệp của ông khi còn đương chức. Một số đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội đã kêu gọi Fed giảm lãi suất khi áp lực ngày càng gia tăng đối với các gia đình có thu nhập thấp để kiếm sống.
Hoạt động kinh tế của Mỹ tăng nhẹ
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhẹ kể từ đầu năm, trong khi người tiêu dùng tỏ ra nhạy cảm hơn với giá cả tăng, Cục Dự trữ Liên bang cho biết trong cuộc khảo sát Beige Book về các mối liên hệ kinh doanh trong khu vực. Báo cáo công bố hôm thứ Tư cho thấy hoạt động kinh tế tăng nhẹ, cân bằng, kể từ đầu tháng 1/2024, với 8 khu vực báo cáo hoạt động tăng trưởng từ nhẹ đến trung bình, 3 khu vực báo cáo không có thay đổi và 1 khu vực ghi nhận hoạt động kinh tế giảm nhẹ.
Báo cáo cũng cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bán lẻ, đã giảm nhẹ trong những tuần gần đây; Các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc chuyển chi phí cao hơn sang cho khách hàng. Hơn nữa, chi phí nguyên vật liệu của nhiều nhà sản xuất và công ty xây dựng đã giảm trong những tuần gần đây.
Về thị trường lao động, việc làm ở hầu hết các khu vực tiếp tục tăng nhưng với tốc độ khiêm tốn. Theo Beige Book, nhìn chung, sự thắt chặt của thị trường lao động đã giảm bớt hơn, với gần như tất cả các khu vực đều nêu bật một số cải thiện về nguồn lao động sẵn có và khả năng giữ chân nhân viên. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng thị trường lao động sẽ hạ nhiệt trong năm nay, được chúng minh bằng danh sách ngày càng tăng các công ty nổi tiếng đã công bố cắt giảm nhân sự trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 1 của Bộ Lao động cho thấy các nhà tuyển dụng đã tăng lương nhiều nhất trong một năm. Beige Book đã chỉ ra một số báo cáo về việc tiền lương tăng với tốc độ chậm hơn. Chi phí lao động được hạn chế hơn có thể sẽ làm giảm thêm áp lực lạm phát bất ngờ tăng vọt vào đầu năm nay.
Mỹ kêu gọi các nước đồng minh xiết chặt Trung Quốc hơn nữa về công nghệ chip
Theo tin của Bloomberg thì chính phủ Mỹ đang thúc ép các nước đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với Trung Quốc trong việc tiếp cận công nghệ bán dẫn. Những nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm mục đích lấp các lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực chip nội địa. Mỹ đang thúc giục Hà Lan ngăn ASML Holding NV phục vụ và sửa chữa các thiết bị sản xuất chip nhạy cảm mà khách hàng Trung Quốc đã mua trước khi việc giới hạn bán những thiết bị đó được áp dụng trong năm nay. Mỹ cũng muốn các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng quan trọng cho sản xuất chip, bao gồm cả chất quang điện.
Nguồn tin cho biết, Nhật Bản và Hà Lan đã phản ứng lạnh lùng trước nỗ lực mới nhất của Washington và lập luận rằng họ muốn đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế hiện tại trước khi xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn. Chính quyền Biden đang cố gắng đưa Đức và Hàn Quốc vào một thỏa thuận bao gồm cả Nhật Bản và Hà Lan, vì cả 4 quốc gia này đều là trụ sở của các công ty chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Hà Lan hy vọng Đức sẽ tham gia nhóm kiểm soát xuất khẩu và chính quyền Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận trước Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6. Ngoài ra, Mỹ cũng đã tiến hành đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề kiểm soát xuất khẩu chip do Hàn Quốc đóng vai trò dẫn đầu trong sản xuất chip và cung cấp phụ tùng cho các thiết bị sản xuất chip.
Cựu Tổng thống Trump dẫn trước đương kim Tổng thống Biden tại 7 bang chiến địa
Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do liên danh Bloomberg News/Morning Consult tiến hành cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump dẫn trước đương kim Tổng thống Biden tại 7 bang “chiến địa” gồm Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, North Carolina, Nevada và Wisconsin.
Tính trung bình trên 7 bang, 48% cử tri khẳng định sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Trump, trong khi tỷ lệ này dành cho ông Biden là 43%. North Carolina là bang cựu Tổng thống Trump dẫn trước người kế nhiệm Biden ở khoảng cách xa nhất (9 điểm), với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 50% và 41%.
Ngoài ra, ông Trump còn dẫn trước ông Biden 6 điểm tại các bang Arizona, Nevada, Georgia và Pennsylvania - 4 bang mà ứng cử viên của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020. Khoảng cách thu hẹp hơn tại Wisconsin và Michigan - 2 bang từng mang lại chiến thắng cho ông Biden hồi năm 2020, với khoảng cách dẫn trước dành cho ông Trump lần lượt là 4 điểm và 2 điểm.
Cũng theo kết quả thăm dò, 80% số người được hỏi cho rằng ông Biden hiện “quá già”, không phù hợp để làm Tổng thống Mỹ, trong khi 60% cử tri coi ông Trump là “người nguy hiểm”. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri Mỹ đánh giá ông Trump có “đủ sức khỏe tinh thần” để làm Tổng thống Mỹ cũng cao hơn ông Biden.
Cuộc thăm dò dư luận được Bloomberg/Morning Consult tiến hành từ ngày 12 đến 20/2, thu hút 4.955 người tham gia khảo sát ở 7 bang chiến địa, với mức độ sai số là khoảng 1%.